HỘI THẢO KHOA HỌC “THỂ CHẾ HÓA QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ HIẾN PHÁP 2013 VỀ LĨNH VỰC DÂN TỘC”

30/07/2024

Sáng 30/7, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội thảo.

ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ DÂN TỘC

Quang cảnh Hội thảo

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì Hội thảo. Cùng dự có Thường trực Hội đồng Dân tộc; Đại diện Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các chuyên gia, nhà khoa học; Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc

Phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc để thúc đẩy phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền của cả nước.

“Một số kết luận, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề quan trọng về xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân tộc đã Đảng được ban hành như: Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị khóa VI về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Kết luận số 65 của Bộ Chính trị khóa XII về công tác dân tộc và một số nghị quyết riêng về từng dân tộc…”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu rõ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội thảo

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, việc thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định về chính sách dân tộc. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 năm 2014 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 120 năm 2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu sơ bộ, Quốc hội đã thông qua hơn 90 luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành hơn 600 văn bản có điều, khoản quy định liên quan đến chính sách dân tộc. Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc cơ bản đã bao trùm toàn diện mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi, vùng khó khăn.

Hiện chưa có một đạo luật riêng về lĩnh vực dân tộc

Mặc dù khối lượng chính sách, pháp luật về dân tộc lớn, tương đối toàn diện, bao trùm các mặt của đời sống kinh tế - xã hội và đang liên tục được hoàn thiện theo yêu cầu của thực tiễn, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, vẫn còn những vấn đề tồn tại nhất định liên quan đến việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp tại các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, chúng ta chưa có một đạo luật riêng về lĩnh vực dân tộc.

Bên cạnh các chính sách dân tộc được quy định khá rộng và tản mát tại các luật, các nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác, thì văn bản pháp luật quy định chung về công tác dân tộc có vị trí pháp lý cao nhất đang là Nghị định số 05 năm 2011 của Chính phủ. “Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 05 vừa qua, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về vị trí, địa vị pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác dân tộc. Nghị định của Chính phủ đã đảm bảo giải quyết được toàn diện các vấn đề bất cập trong công tác dân tộc và đảm bảo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và cụ thể hóa quy định Hiến pháp trong giai đoạn hiện nay hay cần thiết phải ban hành văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn?”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu vấn đề.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Dân tộc cũng đã được các cơ quan liên quan thực hiện trong nhiều năm, với nhiều lần đề nghị nhưng chưa đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua. Dự án Luật được đề xuất xây dựng trong bối cảnh có nhiều luật và văn bản dưới luật khác có các quy định về chính sách đối với người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… Đề nghị xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc gần đây nhất với tên gọi Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật (trong đó có ý kiến của Hội đồng thẩm định). Qua đó, cũng có thể thấy, mặc dù rất cần thiết phải được ban hành nhưng đây là dự án Luật khó về xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mục tiêu của dự án Luật; đồng thời cũng có nhiều vấn đề mới trong nội dung.

Cần thiết ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc

Xuất phát từ những vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng Dân tộc tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học, pháp lý, thực tiễn làm cơ sở để đề xuất xây dựng Hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Hội thảo là diễn đàn quan trọng để Hội đồng Dân tộc, cũng như Ủy ban Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, trao đổi, thảo luận bước đầu về sự cần thiết ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc, làm rõ nội hàm, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật này”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn quan trọng để Hội đồng Dân tộc, cũng như Ủy ban Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận bước đầu về sự cần thiết ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc

Với những kiến thức khoa học, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tham luận, thảo luận thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào vào các nội dung như sau:

Một là, thảo luận, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 trong lĩnh vực dân tộc trong thời gian vừa qua (đặc biệt đối với khoản 5 Điều 70 Hiến pháp về “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”). Các vấn đề vướng mắc trong quá trình lập đề nghị xây dựng các dự án Luật về lĩnh vực dân tộc.

Hai là, thảo luận về sự cần thiết phải ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và đề xuất định hướng xây dựng các chính sách chủ yếu, tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và mối quan hệ của dự án Luật này với các luật khác đang quy định về chính sách dân tộc.

Ngoài hai nội dung chính này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các đại biểu có ý kiến về các vấn đề khác của việc xây dựng dự án Luật nếu thấy cần thiết. Mục tiêu chính của Hội thảo là nhằm lắng nghe nhiều thông tin về lý luận, thực tiễn, tạo sự thống nhất, làm cơ sở xây dựng đề xuất cho dự án Luật.

Theo chương trình, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, tham luận về các vấn đề đặt ra trong thể chế Hiến pháp năm 2013 và chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chính sách dân tộc; đề xuất định hướng nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết Hội thảo./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng