SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: CÂN NHẮC ĐỀ XUẤT GIAO HĐND TP.HÀ NỘI THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN TOD

04/04/2024

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024), các đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô đảm bảo văn minh, hiện đại, đồng thời đề nghị cân nhắc, xem xét lại đề xuất giao HĐND Tp.Hà Nội thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD). Bởi các dự án TOD thường có tổng mức đầu tư rất lớn, ngân sách địa phương khó có thể bảo đảm...

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: CẦN QUY ĐỊNH CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: ĐẶT VĂN HÓA VÀO VỊ TRÍ XỨNG ĐÁNG TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT​

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), các cơ quan chính quyền thành phố Hà Nội và các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo bước đầu của Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024). 

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều ). 

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024), các đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề phát triển hạ tầng giao thông thủ đô được quy định tại Điều 30 và Điều 31 của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật, đây là mô hình mới, hiện đang triển khai thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với mục tiêu và lộ trình phát triển hệ thống đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tập trung phân quyền cho Thành phố trong việc điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong khu vực TOD, lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị và một số chính sách đặc thù trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực TOD,… (các khoản 2, 4, 6, 7, 8 Điều 31).

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, tăng quyền tự chủ cho địa phương, dự thảo Luật do Chính phủ trình đề xuất giao HĐND thành phố Hà Nội thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị không phân biệt về nguồn vốn và tổng mức đầu tư (khoản 3 Điều 31). Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ do HĐND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư nếu chỉ sử dụng ngân sách Thành phố, không giới hạn về tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, các dự án đường sắt đô thị, dự án TOD thường có tổng mức đầu tư rất lớn; ngân sách địa phương khó có thể bảo đảm được mà cần có hỗ trợ từ ngân sách trung ương và nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài. Đây đều là những nội dung cần có sự cho phép, quyết định của Quốc hội mà không thể phân quyền toàn bộ cho địa phương.

Xem xét lại thẩm quyền HĐND TP.Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án TOD

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận thấy, phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) là vấn đề rất quan trọng. Tại Điều 31, dự thảo Luật quy định giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư là không tính tới giới hạn về tổng mức đầu tư. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề phải xem xét lại vì nguồn ngân sách của thành phố Hà Nội cũng có hạn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

“Nếu đó là ngân sách Trung ương đưa về thành phố Hà Nội và để cho thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư 5.000 tỷ - 7.000 tỷ, thậm chí 10 ngàn tỷ, 20 ngàn tỷ, 30 ngàn tỷ một công trình, tôi thấy như vậy sẽ không hợp lý”, đại biểu cho biết.

Do đó, đề nghị cần xem xét lại cụ thể quy định này. Nếu công trình trực thuộc nguồn vốn của ngân sách thành phố Hà Nội thì giao cho thành phố Hà Nội quyết định. Còn nếu thuộc ngân sách Trung ương mà số lượng lớn, đặc biệt là nguồn vốn ODA hoặc nguồn vốn tài trợ, đại biểu cho rằng, nên có bàn bạc, trao đổi với các cơ quan Trung ương để thực hiện chủ trương đầu tư đối với các ngành cho phù hợp.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đề nghị xem lại các khoản 7, 8, 9 Điều 3, nghĩa là chỉ cần quy định khái niệm TOD là gì, bao gồm các mục đích và các thành phần của nó về vấn đề giao thông công cộng, gồm có đường bộ, đường sắt và các công trình phụ kiện có liên quan. Đại biểu cho rằng, cần phải có các quy định về khu vực, đường sắt, đường bộ, sau đó có những điều khoản tiếp theo thì sẽ hợp lý hơn.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Tại Điều 30 quy định về phát triển hạ tầng kiến trúc với hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị xem lại các quy định về kết cấu hạ tầng của Luật Đường bộ hiện nay, trong dự thảo Luật Đường bộ đang quy định rất nhiều những nội dung liên quan đến kết cấu hạ tầng. Như vậy, thống nhất với nội dung chung quy định về kết cấu hạ tầng đối với hạ tầng giao thông, trong đó có hạ tầng giao thông đường bộ và các loại hạ tầng giao thông.

“Trên cơ sở đó, Hà Nội là Thủ đô với một đô thị như vậy, tính đặc thù của nó ngoài những quy định chung của Luật Đường bộ ra thì còn có đặc thù gì, chúng ta cần tính toán để quy định vào trong Luật”, đại biểu nêu rõ.

Đề cập đến Điều 31 quy định về phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD), đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần phải xem lại tên điều luật. Bởi vì, khi đối chiếu lại toàn bộ nội dung điều luật thì lại chỉ quy định về đường sắt đô thị và TOD của đường sắt đô thị. Tên của điều luật này là "phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng", như vậy không gắn với nội dung. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị sửa lại theo hướng đi thẳng vào đường sắt như thế nào, nếu quy định chung chung thì giữa tên của điều luật với nội dung chưa gắn với nhau.

Cần có chính sách ưu tiên phát triển nhà để xe

Quan tâm về hạ tầng tĩnh, giao thông tĩnh, trong đó có nhà đỗ xe ở Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, một đất nước phát triển dựa chính vào giao thông, nếu giao thông hiện đại, xã hội sẽ hiện đại. Đặc biệt ở Hà Nội, chúng ta định hướng phát triển Hà Nội là ngàn năm văn hiến, văn minh, hiện đại. Với giao thông Hà Nội hiện nay, đại biểu cho rằng, trước mắt và lâu dài cũng rất khó đạt được văn minh, hiện đại cho Hà Nội. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần đặc biệt quan tâm tới giao thông ở Hà Nội, đặc biệt là giao thông tĩnh.

Theo thống kê, giải quyết giao thông tĩnh ở Hà Nội đạt khoảng 10%, còn 90% lượng xe đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẽ, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong các bệnh viện, trường học, công viên, v.v. “Như vậy, nhìn vào một thủ đô văn minh, hiện đại mà đỗ xe như vậy thì rất khó phát triển được. Ở đây chúng ta đã thông qua Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản nên vấn đề nếu không điều chỉnh trong Luật Thủ đô lần này, muốn phát triển nhà để xe cũng rất khó vì liên quan tới chính sách đất đai”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Tại Điều 30 của dự thảo Luật quy định phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông có nhắc tới các chính sách phát triển về bãi đỗ xe ô tô, nhưng còn quy định chung chung. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy thì trong quá trình triển khai, dễ gặp vướng mắc với các luật khác.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật này, cần khuyến khích làm nhà đỗ xe. Ngoài chính sách ưu tiên về đất đai, cần phải có chính sách ưu tiên về phát triển nhà để xe.

“Ví dụ như chúng ta xem nhà để xe như một trung tâm thương mại, như vậy cũng như một chung cư, chúng ta có thể xem như tài sản hình thành trong tương lai. Cách thực hiện này cũng giống như nhà ở xã hội, các chính sách ưu tiên. Vừa rồi có dự án 600 tỷ làm bãi đỗ xe ngầm nhưng một tháng thu có 1 tỷ, rất kém hiệu quả nên không triển khai được”, đại biểu nêu ví dụ.

Do đó, đại biểu đề nghị trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có một chính sách rõ ưu tiên về đất và cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà để xe được kinh doanh như là tài sản hình thành trong tương lai, khoảng 30% tới 50%. Nếu chúng ta có chính sách rõ ràng như vậy thì nhu cầu của khách hàng sẽ đặt trước và doanh nghiệp sẽ có một lượng tiền nhất định để đầu tư ban đầu và phần còn lại họ sẽ kinh doanh lâu dài.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị các nhà để xe không làm ngầm vì chi phí rất tốn kém và  gây nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ. “Chúng ta nên làm trên mặt đất, 1, 2 tầng chúng ta vẫn làm thương mại, kinh doanh hiệu quả lâu dài, một vài tầng chúng ta cho người dân xung quanh thuê lâu dài luôn và một số tầng còn lại cho khách vãng lai. Như vậy sẽ phù hợp với mục đích sử dụng đất và trong tương lai chúng ta dễ phát triển hơn”, đại biểu kiến nghị

Thời gian qua, Hà Nội quy hoạch 1.600 bãi để xe các loại nhưng mới làm được chưa tới 60 bãi để xe, con số này là rất ít. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, đây là do vướng các cơ chế, chính sách, cho nên doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả, các địa phương muốn có những chính sách riêng của mình để phát triển thì bị vướng luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quan tâm các chính sách khuyến khích phát triển nhà để xe trong thời gian tới, đặc biệt trong Luật Thủ đô (sửa đổi), qua đó mới gỡ được quy định mà chúng ta không sửa được trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản đã thông qua./.

Bích Ngọc