ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi giám sát. Tham dự có các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Quang cảnh buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nam Định.
Thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản pháp luật về ATGT; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động 50 “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và ATGT”; xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT. BĐBP tỉnh tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn hàng hải cho chủ tàu, chủ doanh nghiệp khai thác cảng biển, sĩ quan, thuyền viên người điều khiển phương tiện và các chủ doanh nghiệp vận tải biển, phà sông thủy nội địa, tàu cá hoạt động thường xuyên trên tuyến luồng hàng hải; phối hợp cấp phát hàng nghìn tờ rơi, phao cứu sinh, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, tặng quà cho ngư dân trị giá hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp quản lý về an toàn hàng hải trong việc khai thác cảng biển và luồng, tuyến hàng hải theo quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc. BĐBP tỉnh đã phối hợp với đại diện Cảng vụ hàng hải tại Nam Định kiểm tra các báo hiệu hàng hải trên luồng Hải Thịnh, đảm bảo hoạt động tốt. Xây dựng phương án ngăn ngừa và giải tỏa khi luồng tàu bị ách tắc. Phối hợp kiểm tra các doanh nghiệp cảng biển, bến thủy nội địa đảm bảo tốt an toàn, an ninh hàng hải khi xếp dỡ hàng hóa; kiểm tra đối với các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản, bến khách ngang sông trong khu vực quản lý, yêu cầu các phương tiện thực hiện đúng các quy định an toàn, an ninh hàng hải. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan giải tỏa các điểm khai thác cát trái phép, các điểm nuôi trồng thủy sản lấn chiếm luồng hàng hải, các phương tiện thủy nội địa, tàu cá hoạt động lấn chiếm luồng hàng hải. Ngoài ra, BĐBP tỉnh cũng thực hiện tốt việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn hàng hải; phối hợp điều tra, giải quyết tai nạn, sự cố hàng hải; tổ chức cứu hộ hàng hải, cứu nạn trên biển.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng và các đại biểu khảo sát tại một bến đỗ tàu thuyền trên sông Đào.
Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định đang quản lý 221 cảng bến thủy nội địa (5 cảng, 216 bến). Trong đó 57 cảng, bến còn thời hạn hoạt động (5 cảng và 52 bến); 77 bến hết hạn; 87 bến không phép. Thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa từ năm 2015 đến nay, Cảng đã làm tốt việc tổ chức quản lý rời cảng bến khu neo đậu của 15.267 phương tiện tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài theo quy định. Công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa và phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương được Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định thực hiện tốt. Cảng vụ đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp phổ biến pháp luật về ATGT, kiểm soát tải trọng phương tiện và chống gian lận thương mại… đến chủ cảng, bến cảng, phương tiện thủy và thuyền viên. Đồng thời làm tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có bão lũ xảy ra; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính.
Tại buổi giám sát, các đại biểu trao đổi làm rõ các nội dung về công tác bảo đảm ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn làm chuyển biến nhận thức cho các chủ phương tiện, tàu thuyền, ngư dân hoạt động hàng hải trong khu vực quản lý...
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng nỗ lực của BĐBP tỉnh và Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý, góp phần bảo đảm an toàn lưu thông hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời ghi nhận những phản ánh, đề xuất của các đơn vị để nghiên cứu và có kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.