PHÂN CÔNG NGẪU NHIÊN THẨM PHÁN, HỘI THẨM ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH ĐỘC LẬP TRONG XÉT XỬ

01/04/2024

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến là Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về Lựa chọn ngẫu nhiên Hội thẩm tham gia xét xử tại Điều 135 của dự thảo luật. Theo đó, Chánh án Tòa án quyết định phân công ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, phù hợp với quy định của luật tố tụng.

QUY ĐỊNH QUYỀN TƯ PHÁP TRONG DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI): CÓ CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ, THỰC TIỄN

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới, đại biểu đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa băn khoăn vấn đề giao trách nhiệm cho Chánh án thực hiện phân công ngẫu nhiên. Đại biểu chưa rõ cơ chế để thực hiện phân công ngẫu nhiên là như thế nào, trong khi giao quyền cho Chánh án. Nếu giao quyền cho Chánh án phân công phải căn cứ vào trình độ, năng lực để phân công để trình độ của Thẩm phán cũng như Hội thẩm phù hợp để thực hiện xét xử những vụ án đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu lấy ví dụ một vụ án rất khó, rất phức tạp, nếu phân công ngẫu nhiên thẩm phán hoặc hội thẩm có trình độ, năng lực chưa đủ đáp ứng yêu cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề xuất quy định giao trách nhiệm cho Chánh án căn cứ vào trình độ, năng lực và khả năng của Thẩm phán, Hội thẩm để phân công xét xử cho phù hợp với từng vụ án. Quy định như vậy sẽ đảm bảo chặt chẽ và dễ thực hiện.

Cũng quan tâm đến quy định mới trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, dự thảo luật quy định "Chánh án Tòa án quyết định phân công ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm giải quyết vụ án đảm bảo nguyên tắc vô tư, khách quan theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, theo đại biểu nên có những nguyên tắc phân công Thẩm phán và Hội thẩm tham gia xét xử. Đại biểu cho rằng, nguyên tắc luân phiên, số lượng vụ án, vụ việc được phân công ngang nhau hay có một nguyên tắc cụ thể nào đó và đảm bảo những quy định khác trong pháp luật tố tụng.

“Nếu để sự phân công là ngẫu nhiên hoàn toàn do Chánh án tòa án quyết định rất có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của thẩm phán trong quá trình xét xử và thẩm phán có thể dễ phải chịu sự chi phối trong quá trình xét xử, bởi do Chánh án phân công ngẫu nhiên mà không theo nguyên tắc, dễ dẫn tới sự không khách quan trong quá trình phân công thẩm phán”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Thông tin thêm về vấn đề đại biểu quan tâm, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên thế giới đều thực hiện phân án ngẫu nhiên, nhưng trong lần sửa đổi luật này, chúng ta mới quy định trong luật. Phân án ngẫu nhiên để đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, tránh trường hợp chánh án muốn xử theo ý mình, phân cho thẩm phán có quan hệ tốt. Vì vậy, việc đưa quy định phân án ngẫu nhiên trong luật là phù hợp; hơn nữa Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã có thông tư hướng dẫn về nội dung này, trong đó có các quy định này.

Về băn khoăn của đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, có một số vụ án khó, phức tạp, vụ án đặc biệt sẽ phải tiến hành phân công thẩm phán có năng lực, nhưng việc phân công này cũng phải phân công ngẫu nhiên trong số các thẩm phán có năng lực, nhằm đảm bảo tính độc lập trong xét xử.

Lan Hương