SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: ĐẶT VĂN HÓA VÀO VỊ TRÍ XỨNG ĐÁNG TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ

30/03/2024

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới là vấn đề phát triển văn hóa. Đa số các ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung được quy định tại Điều 21 của dự thảo, đồng thời nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô, đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Đảng đoàn Quốc hội, của UBTVQH trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất nguyên tắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quán triệt các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị; bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều). 

Đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, đa số các đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra mục tiêu Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Nghị quyết số 30-NQ/TW về yêu cầu: Phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.

Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thủ đô nhận định: Một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh đô thị của người dân.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Tuy nhiên, ngoài cơ chế đặc thù về cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa (Khoản 1 Điều 39) và quy định về phát triển khu thương mại và văn hóa, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, các quy định của dự thảo Luật cơ bản kế thừa quy định Điều 11 của Luật hiện hành, thiên về phát triển "phần cứng", chưa có nhiều quy định thúc đẩy "phần mềm" của văn hóa; chưa có quy định cụ thể để đạt mục tiêu: xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam như được xác đinh tại Điều 21.

Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô, đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô như một số đại biểu đã nêu tại Kỳ họp thứ 6. Từ đó, bổ sung các quy định về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và phổ biến những nét đẹp riêng có của Thủ đô vùng, song song với khen thưởng và xử phạt cũng như bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa thủ đô trong dự thảo Luật.

Cùng quan tâm đến Điều 39 của dự thảo, đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến văn hóa. Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhận thấy, nhiều vấn đề liên quan đến những khó khăn trong phát triển văn hóa không chỉ có ở Thủ đô mà còn là những vấn đề chung của đất nước. Chính vì vậy, đại biểu mong muốn rằng, một số chính sách, một số giải pháp đặc thù cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng các thiết chế cho các hoạt động văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể tại Điều 39 của dự thảo Luật quy định việc thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP mới chỉ áp dụng cho các dự án của Hà Nội.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Vì vậy, đại biểu Bùi Hoài Sơn hy vọng, phạm vi áp dụng sẽ được mở rộng hơn cho các dự án khác ở Hà Nội, để chúng ta có thể giải quyết được những bức xúc trong các dự án như sân vận động quốc gia Mỹ Đình hay Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam...

“Chúng ta cũng biết rằng các hợp tác công tư thực sự có ý nghĩa, có thể giải quyết được những vấn đề cho các dự án này. Chúng ta không nên chờ đợi để sửa Luật PPP, trước khi quá muộn thì chúng ta nên áp dụng cho các dự án chung không chỉ của Hà Nội mà cả các dự án, công trình của quốc gia trên địa bàn Hà Nội nữa”, đại biểu nêu rõ.

Cần quy định cụ thể đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được hưởng ưu đãi đặc thù

Bày tỏ tán thành với các quan điểm phát triển văn hóa, thể thao và ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho biết, với gần 2000 di sản văn hóa phi vật thể các loại hình đang hiện hữu, Hà Nội là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất cả nước và thành phố có hàng trăm người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, hiện nay chế độ đãi ngộ nói chung cho các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu còn khá ít ỏi, thường mang tính chất động viên tinh thần là chính. Do đó, việc đãi ngộ xứng đáng sẽ động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy các giá trị di sản đang nắm giữ. Điều này góp phần quan trọng làm nên giá trị ngàn năm văn hiến của Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

“Việc quan tâm đến chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể và việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là vô cùng cần thiết, ý nghĩa, hiệu quả trong việc bảo vệ, phát triển văn hóa thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là nền tảng quan trọng để phát triển văn hóa, du lịch tại Thủ đô”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Đoàn Hải Dương cho rằng, điểm a khoản 4 Điều 21 dự thảo Luật quy định đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên là “người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật” còn quá chung chung nên sẽ khó xác định.

Vì vậy, đại biểu Việt Nga đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về đối tượng này hoặc bổ sung thêm: HĐND TP. Hà Nội quy định cụ thể đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được hưởng ưu đãi đặc thù. Quy định như vậy sẽ chặt chẽ và dễ xác định hơn.

Cần thiết tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản

Về các khu vực, di tích và di sản được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quy định tại khoản 3 Điều 21 của dự thảo Luật, điểm g có nêu: “Biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị”. Đại biểu Việt Nga nhận thấy, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị không phải là khu vực, không phải là di tích và cũng chưa phải là di sản văn hóa.

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi năm 2029, di sản văn hóa vật thể được xác định là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đại biểu Việt Nga cho rằng, các biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị văn hóa tại Thủ đô Hà Nội khá nhiều và khá đặc biệt, vì vậy cần thiết tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Nhận thấy Điều 21 của dự thảo là một điều rất dài và quy định quá nhiều nội dung liên quan đến phát triển văn hóa, thể thao, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị cần rà soát lại một số nội dung trong Điều này. Về bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị quy định tại Điều này, đại biểu bày tỏ băn khoăn thế nào là biệt thự cũ, thế nào là công trình kiến trúc có giá trị, đề nghị cần có tiêu chí đánh giá và làm rõ thêm về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội còn có rất nhiều bảo tàng, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần bổ sung thêm, đồng thời rà soát lại Điều 21 của dự thảo Luật xem đã quy định đầy đủ chưa như Khu di tích lịch sử, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh…/.

Bích Ngọc