TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THANH: QUY MÔ LỚN HƠN, HOẠT ĐỘNG ĐA DẠNG HƠN, THỂ HIỆN TINH THẦN BỨT PHÁ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

24/03/2024

Theo chương trình, ngày 25/3/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Trước thềm sự kiện quan trọng này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CÔNG TÁC NĂM 2024

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Phóng viên: Thưa Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đây là lần thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Xin bà cho biết về những điểm mới và ý nghĩa của hội nghị lần này?

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: Từ hiệu quả tổng kết công tác Hội đồng nhân dân hàng năm, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Khác với trước đây, lần này được tổ chức với quy mô lớn nhất từ thành phần tham dự, công tác chuẩn bị nội dung, các tham luận và các hoạt động bên lề hội nghị.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị chu đáo để đón gần 700 đại biểu trên cả nước về dự hội nghị. Thành phần tham dự của hội nghị lần này có ngoài Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh còn có đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đặc biệt lần này, Ban Tổ chức đề cao vai trò của các Ban của Hội đồng nhân dân là một trong những chủ thể góp phần tích cực trong đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Hội nghị sẽ nhằm đánh giá hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024; tăng cường trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác giám sát, hướng dẫn đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân; đề xuất các giải pháp góp phần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội với các địa phương

Với thành phần và nội dung chuẩn bị chu đáo phản ánh kết quả hoạt động của năm 2023 hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là cấp tỉnh, đã có nhiều đổi mới, hiệu quả. Để rút kinh nghiệm cho hoạt động của năm 2024 là năm được xác định tăng tốc để về đích, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, phấn đấu đạt kết quả cao nhất theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổng kết với quy mô lớn, thể hiện tinh thần bứt phá, phát triển, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên cả nước.

Mỗi lần tổ chức tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân đều nhìn thấy sự chuyển biến mới tích cực

Phóng viên: Thời gian qua, đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan dân cử ở trung ương và địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội với chức năng, nhiệm vụ cảu mình đã rất sát sao, chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Vậy theo bà, Hội đông nhân dân các tỉnh/thành phố đã có những đổi mới như thế nào trong tổ chức và hoạt động thời gian qua?

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: Chúng tôi thấy rằng, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiều năm qua, nhất là từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ hoạt động của Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương, nhất là hoạt động giám sát, đã có sự chuyển mình một cách mạnh mẽ trong hoạt động của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Dấu ấn rõ nét thể hiện ở kết quả ban hành nghị quyết được ban hành, số lượng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân ban hành tăng nhiều, chất lượng các nghị quyết đi vào cuộc sống, phản ánh, bám sát hơi thở cuộc sống. Vai trò của Hội đồng nhân dân thể hiện thực chất. Người dân quan tâm nhiều hơn, đánh giá rõ hơn vai trò trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Công tác giám sát của Hội đồng nhân dân cũng ngày đi vào sát thực tế, sát với nhu cầu nguyện vọng của cử tri, gần dân hơn, hiểu dân hơn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân ở địa phương.

Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao Hội đồng nhân dân các địa phương trong việc gắn giám sát với khảo sát, chủ động từ sớm, từ xa trong việc phối hợp với cơ quan trình dự thảo Nghị quyết là Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình để ban hành các nghị quyết sát với thực tế và trong triển khai thực hiện các nghị quyết của cấp trên.

Trong hoạt động giám sát, kết quả thực hiện kết luận kiến nghị giám sát năm sau tốt hơn năm trước. Qua thống kế, tổng hơn cho thấy rất rõ kiến nghị của các Đoàn giám sát, của Thường trực Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đông nhân dân, các Tổ đại biểu được các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương thực hiện với tỉ lệ năm sau cao hơn năm trước. Tái giám sát cũng được thực hiện rất hiệu quả.

Một trong những kết quả ấn tượng khác trong hoạt động của Hội đồng nhân dân trong năm 2023 là Hội đồng nhân dân có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động. Trong đó, tổ chức luân phiên việc tổng kết hoạt động, tổ chức các phiên họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tại các địa phương trên địa bàn của tỉnh gắn với nội dung khảo sát thực tế phục vụ cho việc ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Với cách làm mới đã mang đến sức sống mới trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, không còn khô cứng, khắc phục được tính hình thức. Đồng thời, các đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cũng có nhiều tiến bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình theo luật định.

Trong năm qua cũng ghi nhận có những hoạt động lần đầu tiên Hội đồng nhân dân tiến hành như tổ chức phát động thi đua, khen thưởng đại biểu Hội đồng nhân dân hành năm đã tạo được không khí mới trong hoạt động của Hội đồng nhân dân. Chính các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng thấy rằng mình cũng cần phải được đánh giá, được thi đua và thực hiện ngày càng tốt nhiệm vụ người đại biểu.

Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của Hội đồng nhân dân có sự chuyển biến tích cực với phương châm “kỳ họp không giấy tờ”.

Cùng với đó, hoạt động của Quốc hội và hoạt động của Hội đồng nhân dân đã có sự kết nối, nhịp nhàng. Giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội gắn kết chặt chẽ với hoạt động của Hội đồng nhân dân các địa phương và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Qua hội nghị lần này chúng tôi mong muốn như Chủ tịch Quốc hội đã nói: Mỗi lần tổ chức tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân đều nhìn thấy sự chuyển biến tích cực và như có một làn gió tươi mới mang đến sức sống mới cho hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Hội nghị lần này cũng là nhằm biểu dương, cổ vũ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, sứ mệnh của mình là người đại biểu đại diện cho cử tri, người dân địa phương để cùng với Quốc hội hình thành một hệ thống liền mạch vì sự nghiệp phụng sự đất nước, phụng sự Nhân dân.

Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ để đồng hành cùng hoạt động của Hội đồng nhân dân

Phóng viên: Năm 2024 là năm quan trọng khi các địa phương cùng cả nước tăng tốc, bứt phá để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Vậy trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có những hoạt động như thế nào để tiếp tục đồng hành cùng Hội đồng nhân dân các cấp?

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: Năm 2024 là năm rất quan trọng trong nhiệm kỳ, nhất là tại các địa phương, năm 2024 là năm cuối nhiệm kỳ cấp xã và chỉ còn hơn một năm đối với cấp tỉnh để thực hiện nghị quyết Đại hội các cấp. Vì vậy, năm 2024 được xác định là năm bứt phá, tăng tốc để về đích. Điều này đòi hỏi cần có sự tích cực, hướng dẫn, giám sát, gắn kết chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Với phương châm lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, với tinh thần đổi mới của các cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương, với các kết quả mà Hội đồng nhân dân các cấp đã đạt được trong suốt thời gian qua, trong năm 2024 Hội đồng nhân dân cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị;

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, rà soát các chỉ tiêu mà nhiệm kỳ đại hội đã đề ra để Hội đồng nhân dân quyết định những cơ chế, chính sách để đạt được mục tiêu đó.

Cũng do là năm cuối của nhiệm kỳ cấp xã tiến tới cấp xã, cấp tỉnh thì trong năm nay, Hội đồng nhân dân cần tăng cường việc giám sát và đánh giá những chính sách đã ban hành hay chính là xem xét hiệu quả phản ứng chính sách mà Hội đồng nhân dân đã ban hành trong những năm qua đã đi vào cuộc sống như thế nào.

Vai trò của Hội đồng nhân dân là rất lớn trong xây dựng phương hướng, chiến lược, nghị quyết cho nhiệm kỳ sau qua công tác tổng kết, đánh giá chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân đã đi vào cuộc sống như thế nào, nội dung nào đạt kết quả tốt, nội dung nào chưa phù hợp. Từ đó rút kinh nhiệm, có được cơ sở thực tiễn để xây dựng nghị quyết đại hội đảng nhiệm kỳ sau và cũng là kinh nghiệm cho việc định hướng ban hành chương trình xây dựng nghị quyết của nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân.

Hai là, tiếp tục đổi mới và tăng cường tái giám sát. Bởi 3 năm qua là 3 năm chúng ta ban hành nhiều nghị quyết để triển khai cơ chế chính sách thì năm nay là năm gần cuối cần tập trung giám sát để đôn đốc triển khai thực hiện để các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo kết quả rõ ràng hơn. Vì vậy công tác tái giám sát cần được quan tâm và cần được đổi mới để những kiến nghị, phản ánh của cử tri, kiến nghị của Đoàn giám sát ở các lĩnh vực được các cơ quan, các cấp, các ngành thực hiện tốt hơn.

Cùng với đó, chúng tôi rất coi trọng việc giám sát các văn bản có chứa quy phạm pháp luật hay chính là giám sát việc ban hành các quyết định của cơ quan nhà nước trên địa bàn. Thời gian qua, giám sát chủ yếu tiến hành đối với các nghị quyết của Hội đồng nhân dân mà ít giám sát các văn bản có chứa quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân. Do đó, giám sát của Hội đồng nhân dân cần chú trọng hơn về nội dung này để qua đó hoạt động của Hội đồng nhân dân thực sự thể hiện được chức năng quyền lực nhà nước tại địa phương.

Trước những nhiệm vụ nặng nề đặt ra đối với Hội đồng nhân dân thì vai trò hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý nghĩa quan trọng.

Trong kế hoạch năm 2024, Quốc hội triển khai nhiều nội dung, đề án liên quan đến Hội đồng nhân dân như ban hành Quy chế hoạt động mẫu cho Hội đồng nhân dân các cấp để tạo sự thống nhất trong cả nước, khắc phục tình trạng hiện nay khi mỗi tỉnh, mỗi Hội đồng nhân dân lại có quy chế hoạt động riêng. Ban Công tác đại biểu sẽ là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tăng cường hỗ trợ việc tiếp tục tập huấn, nâng cao kỹ năng giám sát, tái giám sát, chất vấn, giải trình cho các Ban của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.

Hiện nay, Ban Công tác đại biểu cũng đang phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu sửa đổi các quy định về tiếp xúc cử tri để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân dành thời gian thỏa đáng và thực sự gắn bó với cử tri nơi bầu ra mình; để niềm vui của người dân cũng chính là niềm vui của người đại biểu; nỗi buồn, trăn trở của người dân là điều mà mỗi người đại biểu đau đáu và chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể của đại biểu, thể hiện trong mỗi quyết sách của Hội đồng nhân dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Trưởng Ban Công tác đại biểu!

Bảo Yến - Thùy Linh

Các bài viết khác