TĂNG CƯỜNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

24/03/2024

Hiện nay, quy định của pháp luật về giám sát của Hội đồng nhân dân là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan này có thể triển khai các hình thức giám sát khác nhau. Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giám sát của Hội đồng nhân dân, TS.Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, không chỉ cần đổi mới từng hình thức giám sát mà còn cần tăng cường các yếu tố bảo đảm, yếu tố con người, truyền thông cũng như mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong quá trình giám sát.

THỂ CHẾ HÓA QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

MỤC ĐÍCH CAO NHẤT CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT LÀ KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC, BẢO ĐẢM THƯỢNG TÔN HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT

TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Trường Đại học Luật Hà Nội 

Giám sát là một chức năng hết sức quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND), vừa thể hiện tính quyền lực của cơ quan này là một cơ chế minh bạch, vừa thể hiện trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước ở địa phương trước nhân dân. Theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trưởng Đại học Luật Hà Nội, trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND, các cơ quan cần dựa trên những tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân như:

- Hiệu lực thi hành các kiến nghị của hoạt động giám sát;

- Mức độ đạt được của kết quả giám sát so với mục đích giám sát đã đề ra;

- Mức độ ảnh hưởng của hoạt động giám sát đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Trên cơ sở các tiêu chí đó, TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND cần được hoàn thiện các nội dung cụ thể như đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, về công tác cán bộ, về năng lực giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, về phương thức giám sát, về công tác hậu giám sát…

Cần quy định rõ về tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND

Đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, cần quy định rõ về tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; quy định thẩm quyền của HĐND tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Về phạm vi, đối tượng giám sát, Luật cần quy định rõ Quốc hội chỉ giám sát tối cao (đối với cơ quan Trung ương), còn cấp tỉnh, huyện, xã giao cho HĐND thực hiện. Đồng thời cần bổ sung quy định cụ thể về hậu quả pháp lý đối với những trường hợp Tòa án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp không thực hiện đúng các quy định pháp luật trong tổ chức và hoạt động mà thông qua hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân phát hiện được.

TS. Đoàn Thị Tố Uyên đề nghị nghiên cứu sửa Luật theo hướng tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả và khả thi cho hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp bằng cách quy định thủ tục nếu kết quả HĐND giám sát phát hiện sai trái của các đối tượng giám sát, tuỳ theo mức độ có quyền kiến nghị xử lý bằng kỷ luật cán bộ, công chức, bồi thường thiệt hại và truy cứu trách nhiệm pháp lý. Kết quả xử lý sau giám sát được công khai.

Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội làm việc với quận Bắc Từ Liêm về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021- 2025

Cần giới hạn lại thẩm quyền và đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện theo hướng Hội đồng nhân dân chỉ tập trung giám sát vào đối tượng chủ yếu là cơ quan chấp hành - Ủy ban nhân dân cùng cấp, trong đó trọng điểm là về nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật, ngân sách và đội ngũ cán bộ, công chức.

Cùng với đó, cần sửa Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các Luật khác có liên quan, nhất là có quy định để kết nối về kết quả thực hiện giữa kiểm tra, thanh tra, kiểm sát với giám sát, tránh tình trạng một đối tượng vừa bị kiểm tra, thanh tra và vừa bị giám sát trong khi kết quả không thừa nhận lẫn nhau.

Cần quy định về cơ cấu hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, TS. Đoàn Thị Tố Uyên đề nghị cần quy định về cơ cấu hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp theo hướng giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm và tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Việc làm này vừa tạo điều kiện để đại biểu HĐND toàn tâm, toàn ý tập trung cho nhiệm vụ của người đại biểu, vừa là giải pháp để khắc phục có hiệu quả tình trạng e ngại, nể nang trong thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát tại kỳ họp thông qua việc chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn của lãnh đạo Ủy ban nhân dân và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp.

Bên cạnh đó, cần quy định biện pháp chế tài cụ thể để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chức năng của HĐND các cấp được các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời, tránh tình trạng nhắc đi nhắc lại nhiều lần như hiện nay.

Nêu rõ số lượng đại biểu HĐND cấp xã từ 15 - 35 người lại phải đảm bảo đúng yêu cầu về cơ cấu các thành phần, TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, việc lựa chọn thành viên các Ban HĐND phải vừa đảm bảo được năng lực chuyên môn, vừa đảm bảo tính độc lập tương đối và khách quan để thực hiện tốt chức năng thẩm định, giám sát các lĩnh vực chuyên môn được HĐND phân công là công việc không dễ dàng. Lựa chọn Trưởng ban là người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, Phó Trưởng ban có thể là công chức, là giải pháp nên được xem xét. Để đảm bảo được các yêu cầu trên, cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đảm bảo chuẩn, chất nguồn nhân lực khu vực công, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở (đối tượng có mức độ được chuẩn hóa về chuyên môn so với công chức còn thấp).

Lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm để lựa chọn đại biểu HĐND

Về công tác cán bộ, TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng cần giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, có phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm. Cần tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, khuyến khích đại biểu tái cử. Đảm bảo hợp lý tỷ lệ đại biểu ở các cơ quan chính quyền và đại biểu công tác ở các cơ quan khối Đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp theo hướng giảm số đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp.

Hiện nay, các Trưởng Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đều hoạt động kiêm nhiệm. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019, chức danh Trưởng các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể hoạt động chuyên trách. Do đó, trong công tác cán bộ nhiệm kỳ mới, đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét để Trưởng các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh được hoạt động chuyên trách.

Nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động giám sát của đại biểu HĐND các cấp

Về năng lực giám sát của đại biểu HĐND, TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho biết, đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước.

Các đại biểu HĐND tại tỉnh Quảng Bình tham gia lớp bồi dưỡng tại điểm cầu Quảng Bình

“Đại biểu phải gắn bó với cử tri, vừa lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến nguyện vọng của cử tri, vừa giám sát, vừa tác động và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức không ngừng để nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động giám sát của đại biểu HĐND các cấp”, TS. Đoàn Thị Tố Uyên kiến nghị.

Đồng thời đại biểu HĐND cần tăng cường trách nhiệm, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng giám sát; đại biểu kiêm nhiệm cần dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát. Ngoài việc được tập huấn chung vào đầu các nhiệm kỳ như hiện nay, thiết nghĩ rằng các cơ quan chức năng cần xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cần thiết theo từng lĩnh vực để đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là các ban của Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình.

Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả

Về phương thức giám sát, TS. Đoàn Thị Tố Uyên đề nghị quá trình giám sát phải tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan dân cử với cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật; phải đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả, từ việc đề xuất lựa chọn nội dung giám sát đến việc tổ chức Đoàn giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai. Trường hợp cần thiết có thể mời chuyên gia tham gia Đoàn giám sát hoặc tranh thủ ý kiến của những người có am hiểu sâu, rộng lĩnh vực giám sát để nâng cao chất lượng giám sát.

Về công tác hậu giám sát, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân thể hiện ở việc các kết luận, kiến nghị sau giám sát được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát thực hiện nghiêm chỉnh. TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, chất lượng và hiệu lực giám sát càng cao thì hiệu quả hoạt động giám sát sẽ càng cao. Việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát là rất cần thiết. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả và cơ quan, đơn vị thực hiện phải báo cáo kết quả thực hiện đến Hội đồng nhân dân theo quy định.

Tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan dân cử với cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật

Về mối quan hệ với các cơ quan đơn vị khác, TS. Đoàn Thị Tố Uyên đề nghị cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhất là với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể trong hoạt động giám sát, tạo điều kiện cho đại biểu HĐND trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; qua đó đại biểu rèn luyện kỹ năng thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, nâng cao năng lực giám sát.

Về bộ máy giúp việc, TS. Đoàn Thị Tố Uyên nhận thấy, bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cần được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; bố trí đủ số lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo và phân tán nguồn lực; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tham mưu, giúp việc; bố trí hợp lý các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động giám sát. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chủ trương thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đây là cơ hội để chúng ta kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu, giúp việc cho Hội đồng nhân dân tỉnh.

Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giám sát của HĐND, TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, không chỉ cần đổi mới từng hình thức giám sát mà còn cần tăng cường các yếu tố bảo đảm, yếu tố con người, truyền thông cũng như mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong quá trình giám sát./.

Bích Ngọc