DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND: CÂN NHẮC CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN QUY ĐỊNH GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

25/02/2024

Cơ bản tán thành với các nội dung nêu trong các văn bản của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến góp ý liên quan đến các quy định giám sát của Hội đồng nhân dân trong dự thảo Luật. Trong đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc thêm các quy định về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, về yêu cầu giải trình, về lựa chọn nội dung giải trình...

GÓC NHÌN: CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Qua nghiên cứu Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân, nhận thấy hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được chuẩn bị rất công phu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến đã chuẩn bị đầy đủ các văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Báo cáo đánh giá tác động các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các tài liệu khác có liên quan.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

Cơ bản tán thành với các nội dung nêu trong các văn bản của Hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến tham gia góp ý liên quan đến các quy định giám sát của Hội đồng nhân dân trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để Cơ quan soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tham khảo, cân nhắc thêm như các quy định về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, về yêu cầu giải trình, về lựa chọn nội dung giải trình, về quy định mời đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự phiên giải trình, về người được lấy phiếu tín nhiệm...

Về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, điểm b khoản 2 Điều 69a của dự thảo Luật quy định “vấn đề gắn với hoạt động lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương...” là một trong những tiêu chí được lựa chọn vấn đề chất vấn.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhận thấy, quy định như trên là không hợp lý, vì “vấn đề gắn với hoạt động lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương” là nguyên tắc hoạt động giám sát nêu tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định nêu trên.     

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 69 a quy định “Người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Thường trực Hội đồng nhân dân đã chất vấn”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhận thấy, việc quy định như dự thảo Luật chưa rõ ràng, có một số từ quy định tại khoản 3 nêu trên không hợp lý như “người bị chất vấn”, “vấn đề mà đại biểu Thường trực Hội đồng nhân dân đã chất vấn”. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại quy định khoản 3 Điều 69a của dự thảo như sau: “Người chất vấn được lựa chọn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn”.

Về yêu cầu giải trình, khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật quy định “Người được yêu cầu có trách nhiệm báo cáo, giải trình theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa rõ ràng, có thể hiểu là các đại biểu Hội đồng nhân dân không phải là thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân, những người khác được mời tham dự phiên họp giải trình có yêu cầu thì cũng không được giải trình mà phải có yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân, khi đó người được yêu cầu mới có trách nhiệm báo cáo, giải trình về vấn đề mà đại biểu nêu.

Mặt khác, việc quy định như dự thảo Luật khác với cách quy định trong phiên giải trình của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là “người giải trình có trách nhiệm giải trình vấn đề được yêu cầu” (điểm c khoản 3 Điều 43 Luật Hoạt động giám sát). Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại quy định nêu trên như sau: “Người được yêu cầu có trách nhiệm báo cáo, giải trình vấn đề được yêu cầu”.​

Phiên họp giải trình của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội về đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố

Về lựa chọn nội dung giải trình, khoản 2 Điều 72 a của dự thảo Luật quy định việc lựa chọn nội dung giải trình quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này như sau: "Vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tội phạm, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật chủ yêu liên quan đến giám sát, chưa thể hiện rõ việc lựa chon nội dung giải trình liên quan đến lập pháp và quyết định các vấn đề quan trong của địa phương…”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhận thấy, quy định như dự thảo Luật đã thu hẹp phạm vi giải trình, tức là giải trình vấn đề chủ yếu liên quan đến giám sát, như vậy không hợp lý. Vì nội dung giải trình không chỉ liên quan đến giám sát mà còn liên quan đến xây dựng pháp luật, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại vấn đề này để bao quát hơn, đầy đủ hơn. 

Về quy định mời đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự phiên giải trình, khoản 3 Điều 72a quy định “Đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ trùng lặp với quy định tại cuối khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật “Đại biểu Hội đồng nhân dân được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học có thể được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình”. Vì vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo bỏ quy định nêu trên tại khoản 3 Điều 72a để tránh trùng lặp.

Về người được lấy phiếu tín nhiệm, khoản 4 Điều 87a quy định về “Lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận” và Khoản 4 Điều 87d của dự thảo luật quy định về “Lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường”. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, dự thảo Luật quy định chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân là không đủ, không bình đẳng, không thống nhất với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức Hội đồng nhân dân. 

Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 87a và khoản 4 Điều 87d của dự thảo luật để quy định việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ đối với người giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, mà cả những người giữ chức vụ Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân quận, phường ở đơn vị hành chính không tổ chức Hội đồng nhân dân. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh nêu trên./.

Bích Ngọc