HỘI ĐỒNG DÂN TỘC SẼ TỔ CHỨC CÁC HỘI THẢO PHỤC VỤ LẬP ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

25/02/2024

Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội dự kiến sẽ tổ chức 4 Hội thảo tại các khu vực nhằm phục vụ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để huy động, tham vấn nhiều ý kiến tham gia. Theo chương trình, chiều mai (26/2) sẽ diễn ra Hội thảo đầu tiên tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương.

GÓC NHÌN: CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: KHẨN TRƯƠNG HOÀN THIỆN HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, ĐÚNG TIẾN ĐỘ

Căn cứ Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Thông báo số 2196/TB-TTKQH, ngày 17/4/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội) và Kế hoạch số 1073/KH-BCĐ ngày 14/7/2023 về lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (viết tắt là Luật HĐGS), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội xây dựng Kế hoạch tổ chức các hội thảo phục vụ lập đề nghị xây dựng Luật.

Mục đích, yêu cầu của việc tổ chức các hội thảo phục vụ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn của việc lập đề nghị xây dựng Luật là nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; những vấn đề đặt ra trong quá trình thi hành Luật; kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong Luật Hoạt động giám sát; góp ý cụ thể đối với nội dung về Tờ trình và đề cương chi tiết dự thảo Luật trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Đồng thời phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học, nhà quản lý, người hoạt động thực tiễn và các cơ quan, đơn vị chịu sự tác động của chính sách; bảo đảm tính khách quan, toàn diện, khoa học và thực tiễn của các đề xuất, kiến nghị, nhận định, đánh giá trong lập đề nghị xây dựng Luật.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành hội thảo theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương sẽ dự và chủ trì Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương sẽ dự và chủ trì Hội thảo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng dự các Hội thảo có Thường trực Hội đồng Dân tộc; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp Luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện các Ban của UBTVQH: Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp; Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội; đại diện một số cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo, một số chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên (từ Nghệ An đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên), các tỉnh phía Nam (từ Ninh Thuận trở vào đến các tỉnh khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ)…

Để huy động, tham vấn được nhiều ý kiến tham gia, Thường trực Hội đồng Dân tộc dự kiến sẽ tổ chức 04 hội thảo tại các khu vực, với thời gian cụ thể như sau:

- Hội thảo 01 (tại Hà Nội) diễn ra vào ngày 26 tháng 02 năm 2024 tại Nhà Quốc hội nhằm góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thực hiện Kết luận, kiến nghị sau giám sát.

- Hội thảo 02 (tại khu vực phía Bắc) diễn ra vào ngày 29 tháng 02 năm 2024 tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình nhằm góp ý, hoàn thiện các nội dung dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật và đề cương chi tiết dự thảo Luật.

- Hội thảo 03 (tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên) diễn ra vào ngày 06 tháng 3 năm 2024 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm góp ý, hoàn thiện các nội dung Tờ trình đề nghị xây dựng Luật và đề cương chi tiết dự thảo Luật.

- Hội thảo 04 (tại Thành phố Hồ Chí Minh) diễn ra vào ngày 08 tháng 3 năm 2024 nhằm góp ý, hoàn thiện các nội dung Tờ trình đề nghị xây dựng Luật và đề cương chi tiết dự thảo Luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng chủ trì Hội thảo

Hội đồng Dân tộc đã có văn bản gửi các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động giám sát của Quốc hội để chuẩn bị báo cáo tham luận trình bày tại hội thảo.

- Tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tập trung vào những nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và những kiến nghị, đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

- Tham luận của đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân xoay quanh kết quả thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân - Những khó khăn, bất cập và kiến nghị, giải pháp.

Các đại biểu tham dự sẽ thảo luận, cho ý kiến về các quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong Luật Hoạt động giám sát; góp ý cụ thể đối với nội dung trong các dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật và đề cương chi tiết dự thảo Luật./.

Bích Ngọc