THẢO LUẬN TỔ 06: CÂN NHẮC LỰA CHỌN ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM PHÂN CẤP TRONG QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

16/01/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, thảo luận tại Tổ 06 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai về dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, cơ chế đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đều bày tỏ mong muốn Nghị quyết sớm được thông qua để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời góp ý nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều đại biểu lựa chọn phương án 2 như đề xuất của Chính phủ.

Thảo luận tại Tổ 06 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai

Theo phương án này, thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 như dề xuất tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ. Cụ thể: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025. Trong đó, phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh: Phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch, dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao. Cơ cấu nguồn vốn giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung cho dự án thành phần khác của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang cho rằng phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện có sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030. Nhất là nội dung cho phép Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao cũng như cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang phát biểu

Có cùng lựa chọn phương án 2, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng mỗi huyện lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Tuy nhiên, mỗi tỉnh lại có số lượng huyện khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề xuất là mỗi tỉnh sẽ lựa chọn ít nhất là 01 huyện và không quá 30 % số huyện của tỉnh để thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp.

Trước ý kiến thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn ít nhất một huyện và phải tính toán tỉ lệ hợp lý, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề xuất không nên dùng từ thí điểm giao cho mỗi một địa phương chọn một huyện để thực hiện cơ chế này; đồng thời không cần thiết phải quy định tỉ lệ. Đại biểu cho rằng, phải gom vào một đầu mối, xem xét huyện nào có thể thực hiện được thì làm luôn, mỗi tỉnh chọn một huyện hoặc nếu địa phương làm tốt, giải ngân tốt thì mạnh dạn áp dụng luôn cơ chế này mà không thí điểm nữa.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết, song đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ băn khoăn về việc ban hành cơ chế để thực hiện lâu dài hay thí điểm? Về hình thức văn bản xác định được đây là cơ chế đặc thù nhưng nội dung cụ thể vẫn có chính sách được thí điểm. Đây là vấn đề cần phải làm rõ. Đại biểu cũng chỉ rõ một số nội dung có hai phương án đang phải cân nhắc trong việc lựa chọn nhưng có những nội dung quy định mà vừa là thí điểm, vừa là chọn phương án thực hiện vẫn còn chung chung như hiện nay là sẽ rất khó. Do đó, các cơ quan cần xem xét kỹ lưỡng hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

Bên cạnh đó, góp ý vào các chính sách cụ thể, về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hàng năm về vốn duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang kiến nghị Chính phủ nên xem xét bố trí tăng mức vốn vì số vốn này tương đối lớn, đặc biệt là đối với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long yêu cầu mức vốn đầu tư rất là lớn. Trong khi các địa phương hiện nay còn khó khăn về ngân sách cũng như về hỗ trợ đất ở, việc tìm kiếm quỹ đất sạch để chuyển nhượng cho các đối tượng thụ hưởng, định mức hỗ trợ thấp, phần lớn hộ nghèo không có khả năng đối ứng để mua đất và giá trị đất hiện nay tăng rất cao so với mức hỗ trợ; các hộ cũng không có điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị định 28 của Chính phủ; việc lập thủ tục sang nhượng giữa hai bên liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng thụ hưởng…ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thực hiện và giải ngân theo đúng tiến độ quy định.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị đến Chính phủ làm rõ chủ dự án phát triển sản xuất nộp lại ngân sách nhà nước, phần giá trị còn lại của tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước để tiếp nhận quyền sở hữu tài xã thì phải được nghiệm thu và phải được tổ chức thực hiện như thế nào. Hai là, việc cấp có thẩm quyền quyết định việc hỗ trợ chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ, thì phải làm rõ "nhỏ" ở đây là bao nhiêu? Được hình thành từ hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Vậy đối tượng người dân, hộ gia đình ở đây được chọn theo các tiêu chí nào để tránh có cái sự xung đột.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang 

Góp ý về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa trong hoạt động phát triển sản xuất, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu rõ dự thảo quy định chủ dự án phát triển sản xuất được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nội dung hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đại biểu Vương Thị Hương quy định này còn quá chung chung và chưa thể hiện được tính chất đặc thù rõ nét ở chính sách này.

Do đó, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung là chủ dự án phát triển sản xuất được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nội dung hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu mua sắm theo các hình thức đấu thầu tại Luật Đấu thầu.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 06:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn điều hành phiên thảo luận tổ

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang phát biểu

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu

Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu.

Bảo Yến