KHẮC PHỤC BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

27/12/2023

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận về vấn đề kinh tế, xã hội. Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cần khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay.

NỖ LỰC THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM, ĐÁP ỨNG ĐƯỢC CÁC YÊU CẦU CỦA QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

Quan tâm đến nội dung này, TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Học viện Hành chính Quốc gia nêu rõ, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ và là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, cả nam giới và nữ giới đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, nhưng phụ nữ vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Tại Việt Nam, hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước không ngừng được hoàn thiện, công tác tổ chức được triển khai đồng bộ, quyết liệt cùng với sự tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc như Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc… để giải quyết các vấn đề xoay quanh bình đẳng giới. Đảm bảo thu nhập và hưu trí cho phụ nữ là một chính sách quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, các thiết kế của hệ thống bảo hiểm xã hội hiện hành chưa thực sự giải quyết được vấn đề và bộc lộ nhiều yếu tố bất lợi đối với phụ nữ

Còn tồn tại những bất bình đẳng giới trong quan niệm và nhận thức của người dân nên dẫn đến những bất bình đẳng giới trên thị trường lao động và hệ thống bảo hiểm xã hội

Theo TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, do còn tồn tại những bất bình đẳng giới trong quan niệm và nhận thức của người dân nên dẫn đến những bất bình đẳng giới trên thị trường lao động và hệ thống bảo hiểm xã hội.

Hậu quả của vấn đề này là: Phụ nữ tham gia thị trường lao động ít hơn nam giới, rời khỏi thị trường lao động sớm hơn và nhiều hơn. Về mặt lý thuyết, cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội của lao động nam và nữ là như nhau, tuy nhiên do thiết kế chế độ bảo hiểm xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của lao động nữ, nên trong thực tế lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn nam giới đặc biệt trong khu vực phi chính thức. Thu nhập và thời gian đóng thấp dẫn đến tỷ lệ phụ nữ được hưởng lương hưu và mức lương hưu thấp hơn nam giới; mức hưởng và thời gian hưởng chế độ ốm đau thấp hơn nam. Tất cả những điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Từ phân tích trên, các chuyên gia đã đưa ra giải pháp tổng thể và lâu dài là phải thực hiện nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của cả xã hội, giảm những gánh nặng về giới để nam và nữ được bình đẳng tiếp cận các cơ hội học tập, việc làm và thụ hưởng các dịch vụ công và phúc lợi xã hội. Thúc đẩy nâng cao vị thế việc làm và thu nhập của lao động nữ tạo cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng cuộc sống của nữ giới và con cái. Theo đó, bổ sung chế độ thai sản hoặc bất kỳ hình thức trợ cấp thai sản cho hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hiện nay, đối tượng của bảo hiểm xã hội tự nguyện rất lớn với khoảng 35 triệu người.

Cần thúc đẩy nâng cao vị thế việc làm và thu nhập của lao động nữ tạo cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng cuộc sống của nữ giới và con cái

Vì vậy, nếu thu hút được lực lượng này tham gia bảo hiểm xã hội sẽ tăng hiệu quả mở rộng độ bao phủ. Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay không hấp dẫn do thiết kế thiếu các chế độ ngắn hạn. Đặc biệt, lao động nữ rất quan tâm đến chế độ thai sản. Do đó, nếu bổ sung thêm chế độ thai sản sẽ tăng tính hấp dẫn đối với lao động nữ trong khu vực phi chính thức. Có hai hướng để nghiên cứu bổ sung trợ cấp thai sản cho phụ nữ trong chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện là trợ cấp 1 lần/số con hoặc trợ cấp theo tháng.

Thiết kế lại chế độ thai sản trong hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hướng chia sẻ gánh nặng chăm sóc con nhỏ giữa nam giới và nữ giới, hệ thống cần chuyển hướng khỏi mô hình thuần túy tập trung vào người mẹ sang mô hình có cả bố và mẹ cùng tham gia chăm sóc con nhỏ. Ở một số quốc gia hệ thống bảo hiểm xã hội đã thiết kế thời gian nghỉ thai sản của người bố dài hơn thời gian nghỉ thai sản của người bố ở Việt Nam hiện nay như Pháp (tối đa 28 ngày), Tây Ban Nha (tối đa 16 tuần), Thụy Điển (từ 90-240 ngày), Phần Lan (8 tuần).

Ghi nhận và bù đắp thời gian và trách nhiệm chăm sóc của nữ giới khi tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện nay, trong nỗ lực bảo vệ nữ giới tham gia bảo hiểm xã hội Nhà nước đã quy định tỷ lệ tích lũy trong chế độ hưu trí của nữ giới cao hơn so với nam giới (3% so với 2%), số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% lương hưu tháng của nam là 20 năm và của nữ là 15 năm. Tuy nhiên, mức quy định này chủ yếu bù đắp cho quãng thời gian hưởng lương hưu của nữ giới sớm hơn của nam giới là 5 năm; chưa tính đến việc bù đắp cho thời gian đảm nhận trách nhiệm chăm sóc không lương của nữ giới.

Cần thiết bổ sung thêm một khoản tiền vào lương hưu của phụ nữ để ghi nhận và bù đắp trách nhiệm chăm sóc không lương của họ

Một phương án chính sách có thể áp dụng là bổ sung thêm một khoản tiền vào lương hưu của phụ nữ để ghi nhận và bù đắp trách nhiệm chăm sóc không lương của họ. Ngoài ra, thiết kế lại chế độ ốm đau theo hướng có tính đến yếu tố giới, theo đó điều kiện về thời gian để lao động nữ hưởng chế độ ốm đau có thể ngắn hơn so với lao động nam để nữ giới có thể hưởng thời gian và mức hưởng chế độ ốm đau cao hơn.

Cân nhắc phương án áp dụng trợ cấp trẻ em và trợ cấp thai sản cho tất cả người tham gia bảo hiểm xã hội để giảm gánh nặng cho các gia đình và lao động nữ; tạo điều kiện cho họ giảm bớt khó khăn trong cuộc số, ở lại thị trường lao động và hệ thống bảo hiểm xã hội. Cuối cùng, tất cả các khuyến nghị trên cần được tính toán và cân nhắc trong bối cảnh phù hợp với hạch toán của quỹ bảo hiểm xã hội để không làm tăng gánh nặng cho quỹ nhưng vẫn làm tăng tính hấp dẫn, tính bảo vệ của bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ. Nếu các công thức và tính toán không cẩn trọng có thể dẫn tới tác dụng ngược là gia tăng và cổ súy cho tình trạng bất bình đẳng giới.

Hồ Hương