PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN NHIỀU NỖ LỰC ĐỂ THÚC ĐẨY CÔNG NGHIỆP GIẢI TRÍ TẠI VIỆT NAM

18/12/2023

Ngành giải trí Việt Nam hiện nay đang trải qua một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đồng thời cũng đối mặt với nhiều thách thức. Để công nghiệp giải trí Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hóa và bắt kịp các nước phát triển, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực và một hành trình dài hơi.

PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM – CƠ HỘI NHÌN LẠI ĐỂ VẠCH RA LỘ TRÌNH MỚI

GÓC NHÌN: TẬN DỤNG DỮ LIỆU LỚN TRONG XÂY DỰNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN ẢNH Ở VIỆT NAM

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: THÁO GỠ “NÚT THẮT” ĐỂ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

Để công nghiệp giải trí Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hóa và bắt kịp các nước phát triển, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực và một hành trình dài hơi

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí đã trở thành một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Nền công nghiệp này đang hứa hẹn mang lại rất nhiều những thay đổi trong cuộc sống con người.

Tại Việt Nam, âm nhạc, điện ảnh, hoa hậu… là ngành công nghiệp giải trí đang thu hút nhiều sự quan tâm từ dư luận về chất lượng, cũng như định hướng phát triển. Để làm rõ nội dung này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có buổi trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Phóng viên: Nền âm nhạc mới Việt Nam đã có bề dày lịch sử hơn 90 năm. Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đã đạt được, có ý kiến cho rằng, âm nhạc của chúng ta thời gian gần đây có những biểu hiện chững lại, có ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Quan điểm của ông thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng đánh giá về âm nhạc là điều khó. Âm nhạc là giai điệu của cuộc sống, mỗi bối cảnh khác nhau chúng ta có một loại hình âm nhạc nổi trội hơn so với loại hình âm nhạc khác. Nếu chúng ta cho rằng, những sản phẩm âm nhạc phải là đỉnh cao khi nó thể hiện được tình yêu quê hương đất nước, hay phản ánh được cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc thì rõ ràng bối cảnh ngày hôm nay chúng ta rất khó có được những tác phẩm như vậy. Bởi vì một mặt chúng ta không còn ở trong bối cảnh để cho các sản phẩm đó dễ được sáng tạo.

Từ đó khiến cho cảm hứng sáng tạo liên quan đến chủ đề chiến tranh, hay chủ đề giai đoạn văn hóa kháng chiến của chúng ta không còn được như vậy nữa. Nhưng rõ ràng hiện nay chúng ta cũng có thể cảm nhận được âm nhạc đã đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.

Chúng ta được nghe không chỉ âm nhạc Việt Nam và cả quốc tế, không chỉ thể loại ca khúc về yêu nước, cách mạng mà chúng ta còn được nghe các thể loại nhạc trước kia rất “kiêng kị” khi nói đến như Bolero. Và những tác phẩm âm nhạc về tình yêu đôi lứa cũng rất nở rộ trong giai đoạn hiện nay. Nói vậy để thấy thị hiếu âm nhạc nay đã khác. Đó là lý do tại sao chúng ra rất cần phải tiết chế khi so sánh về nghệ thuật.

Phóng viên: Sự đa dạng đó có phải là tiền đề quan trọng để hướng tới phát triển ngành công nghiệp giải trí không thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đúng vậy, đó là tín hiệu hết sức tích cực. Du lịch Hà Nội thu hơn 600 tỷ đồng trong 2 ngày diễn ra show Black Pink. Nhìn ra các nước, nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc 1 năm thu về hơn 4,6 tỷ USD cho đất nước họ. Hay chỉ riêng ca sĩ người Mỹ Taylor Swift đã tạo ra thu nhập hơn 3 tỷ USD trong năm 2023... Điều đó cho thấy nếu biết tận dụng các giá trị của công nghiệp âm nhạc không chỉ làm cho đời sống tinh thần của chúng ta phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân, mà chúng ta còn lan tỏa sự phát triển này sang lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong năm 2023 các hiện tượng âm nhạc khá nở rộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm âm nhạc Việt vẫn mang tính “chập chờn” về mặt chất lượng, chưa có được phong độ ổn định để có thể được khán giả yêu thích lâu dài

Trong năm 2023 các hiện tượng âm nhạc khá nở rộ ở Việt Nam. Ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có Lễ hội Âm nhạc Hò dô, ở Hà Nội thì Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival), hay các nhóm nhạc quốc tế đến biểu diễn ở Việt Nam đã cho thấy tiềm năng rất lớn của lĩnh vực âm nhạc với sự phát triển của đất nước nếu chúng ta biết tận dụng và phát huy.

Điều tôi còn băn khoăn một chút là sự phát triển âm nhạc của chúng ta còn chưa bền vững, thiếu tính chuyên nghiệp khiến cho nỗ lực phát triển công nghiệp âm nhạc ở ta còn gặp không ít khó khăn. Các sản phẩm âm nhạc Việt vẫn mang tính “chập chờn” về mặt chất lượng, chưa có được phong độ ổn định để có thể được khán giả yêu thích lâu dài.

Tôi cho rằng, để công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp giải trí Việt Nam chung chuyên nghiệp hóa và bắt kịp các nước phát triển, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực và một hành trình dài hơi.

Phóng viên: Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh những năm gần đây, chúng ta chứng kiến cuộc “tiến công” của hàng loạt bộ phim mới được đầu tư hoành tráng. Ông có đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghiệp điện ảnh trong nước?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thực ra không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà cả điện ảnh thế giới cũng tương tự như vậy. Tức là các thể loại phim có rất nhiều và chính sự đa dạng, phong phú của các thể loại phim khác nhau thúc đẩy điện ảnh phát triển.

Nếu chúng ta chỉ tập trung vào một dòng phim nhất định thì rõ ràng nền điện ảnh sẽ bị méo mó. Đó cũng là lý do chúng ta mong muốn có nhiều dòng phim khác nhau, mặc dù vậy thị trường có quy luật của nó. Chính vì thế một số dòng phim sẽ được ưa chuộng hơn những dòng phim khác, và nó có một sự cạnh tranh, chọn lọc tự nhiên, đồng thời bị chi phối bởi những tác nhân của thị trường trong việc hình thành nên điện ảnh. Do đó chúng ta rất cần sự điều tiết từ phía Nhà nước để hình thành nền điện ảnh đa dạng, phong phú với nhiều thể loại khác nhau.

Chính sự đa dạng, phong phú của các thể loại phim khác nhau thúc đẩy điện ảnh phát triển

Với những bộ phim như “Những đứa trẻ trong sương”, trong nhiều năm chúng ta cố gắng theo đuổi với mong muốn hình thành Quỹ điện ảnh, mặc dù nhiều nỗ lực nhưng quỹ đó không ra đời được. Nhưng ý định đó rất tốt vì nhờ quỹ chúng ta sẽ khuyến khích những dòng phim khác nhau, những dòng phim thử nghiệm cho các tác giả trẻ, để từ đó tạo sự phong phú cho điện ảnh.

Tuy nhiên không phải lúc nào bộ phim cũng nhận được sự đánh giá cao của những người trong nghề, của những nhà điện ảnh. Đây là câu chuyện không riêng của Việt Nam ta, mà cả trên thế giới. Rất nhiều những bộ phim trên thế giới được giới phê bình đánh giá tốt nhưng sức lan tỏa, lợi nhuận thị trường lại không hơn những bộ phim không được đánh giá cao bằng. Ở Việt Nam cũng tương tự vậy, chúng ta có rất nhiều tranh luận về phim nghệ thuật và phim thị trường.

Còn nhớ từ những năm 1990, đầu những năm 2000 xuất hiện dòng phim “mì ăn liền”, sau đó là dòng phim thị trường với những bộ phim tiêu biểu như: “Gái nhảy”, “Lọ Lem hè phố”… đã có rất nhiều tranh cãi. Ở đây chúng ta phải chấp nhận sự thật là có nhiều dòng phim khác nhau.

Ở Việt Nam c có rất nhiều tranh luận về phim nghệ thuật và phim thị trường

Có những dòng phim mà theo quan điểm của Nhà nước khuyến khích, hay là được đánh giá cao của người làm nghề thì lại không nhận được sự hưởng ứng từ phía thị trường. Do vậy, chúng ta cần phải luôn cân bằng, bởi chúng ta đã từng nhìn thấy xu hướng làm phim “mì ăn liền” hay thị trường của những năm 1990 và 2000 rộ lên rồi lắng xuống ra sao. Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta cần có tạo được sự cân bằng bởi những chính sách của Nhà nước.

Phóng viên: Làm sao để có những bộ phim vừa có chất lượng cao vừa nhận được sự ủng hộ của thị trường, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Để làm được điều đó, tôi cho rằng ngành điện ảnh Việt cần tập trung một số vấn đề. Cụ thể: Thứ nhất, đưa được những tác phẩm đã được chọn lọc ra thị trường.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, trình độ thẩm mỹ của công chúng để từ đó hình thành nên một nền điện ảnh dựa trên nền của nhận thức thẩm mỹ điện ảnh cao lên. Từ đó tạo điều kiện cho điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững.

Phóng viên: Trong năm qua, có một thực tế là không ít bộ phim do Nhà nước đặt hàng nhưng lại chỉ ra rạp được ít ngày. Theo ông đâu là nguyên nhân?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Ở đây có khá nhiều lý do khác nhau khiến cho những bộ phim của Nhà nước đặt hàng khó tiếp cận được với thị trường. Quan trọng là khi tài trợ, đặt hàng cho các bộ phim chúng ta chưa coi trọng yếu tố thị trường. Nghĩa là khi đặt hàng chúng ta không có kinh phí dành cho phát hành.

Có nhiều lý do  khiến những bộ phim của Nhà nước đặt hàng khó tiếp cận được với thị trường

Khi phát hành trong bối cảnh hiện nay, một số nhà sản xuất nói rằng để phát hành họ phải đóng tiền cọc 1 tỷ đồng, sau khi phát hành lại có sự “ăn chia” giữa các rạp chiếu phim và nhà sản xuất. Nhưng nhà sản xuất lại không được đồng nào. Số tiền đó chia 50/50 theo các tỉ lệ khác một phần cho phát hành, phần còn lại nộp về Nhà nước, thế là nhà sản xuất ra những bộ phim này họ mất động lực, hào hứng để đưa phim ra rạp.

Tức là bị chặn ngay ở khâu phát hành, thì những bộ phim thêm một rào cản không đến được với khán giả. Và rõ ràng rằng đây là điều đi ngược lại với tinh thần của thị trường, đi ngược lại với mong muốn phát triển công nghiệp điện ảnh, chấn hưng điện ảnh.

Phóng viên: Như vậy có thể hiểu là muốn phát triển công nghiệp điện ảnh thì cần liên thông tất cả các khâu, từ sản xuất, phát hành đến thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật, phê bình điện ảnh… phải không thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đúng vậy. Nếu chúng ta chỉ sản xuất mà không biết thị trường có cần hay không, hay không biết tiếp cận thị trường, làm thế nào để xây dựng thượng hiệu cho bộ phim, các tác giả, đạo diễn, diễn viên… và phát triển khán giả thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Và đó là một trong những điều mà người làm nghề, người yêu điện ảnh, những người mong muốn cho điện ảnh phát triển rất lấy làm đau lòng khi bị chặn ngay ở khâu phát hành.

Đây là một vướng mắc về chính sách mà chắc chắn trong thời gian tới phải có sự sửa đổi nếu chúng ta muốn đưa những tác phẩm Nhà nước đặt hàng đến được với khán giả. Rõ ràng chúng ta đã đầu tư rất nhiều tiền nhưng chúng ta lại không đưa đến được cho khán giả thì tôi cho rằng đó là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước.

Phóng viên: Thời gian gần đây, Việt Nam còn bắt đầu manh nha khái niệm "công nghiệp hoa hậu" khi hàng loạt các cuộc thi nhan sắc liên tiếp được tổ chức. Câu hỏi đặt ra về tương lai của ngành công nghiệp này ở Việt Nam có thực sự khả dĩ không thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thực tế, ngành công nghiệp hoa hậu là khái niệm được nhắc đến tại các quốc gia cuồng sắc đẹp như Venezuela, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines... vài thập kỷ trước. Tại các nước này, hàng loạt trung tâm, học viện đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp được mở ra để đáp ứng giấc mơ đổi đời của nhiều cô gái trẻ. Ở các quốc gia này, hoa hậu cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. Những cuộc thi càng lớn, uy tín thì lượng khán giả theo dõi càng đông. Và ngược lại, các sân chơi sắc đẹp kém chất lượng cũng sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường.

Cần tạo ra những sân chơi sắc đẹp uy tín, có chất lượng tiếp tục được khán giả theo dõi, từ đó biến cuộc thi sắc đẹp trở thành sự kiện tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Tuy nhiên, rõ ràng, chúng ta cần phải đặt ra một câu hỏi về tương lai một ngành công nghiệp hoa hậu này sẽ thế nào ở Việt Nam trong bối cảnh nước ta vẫn còn tràn lan những cuộc thi giảm sút chất lượng về thí sinh, cũng như khâu tổ chức.

Câu chuyện về “sự cố” của Hoa hậu Ý Nhi gần đây là ví dụ cho thấy sự đáng báo động về việc cần phải tổ chức các cuộc thi nhan sắc chuyên nghiệp hơn, đồng thời chấn chỉnh việc cấp phép đối với các cuộc thi hoa hậu. Các cuộc thi hoa hậu cũng phải thể hiện trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội nhiều hơn đối với công chúng.

Nếu chỉ chạy theo giá trị vật chất để thi hoa hậu thì rõ ràng quá trình tuyển chọn gặp vấn đề, dẫn đến những sản phẩm kém chất lượng. Chúng ta phải có những thay đổi để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng của những cuộc thi, của những người đẹp, tạo ra những sân chơi sắc đẹp uy tín, có chất lượng tiếp tục được khán giả theo dõi, từ đó biến cuộc thi sắc đẹp trở thành sự kiện tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức