PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM – CƠ HỘI NHÌN LẠI ĐỂ VẠCH RA LỘ TRÌNH MỚI

10/12/2023

Dự kiến trong tháng 12/2023, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Hội nghị này là dịp để kiểm điểm lại những gì đã làm được và chưa làm được, từ đó vạch ra lộ trình mới cho các ngành công nghiệp văn hóa nước ta trong thời gian tới.

PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: ĐỂ LỊCH SỬ TRỞ THÀNH CHẤT LIỆU TUYỆT VỜI CHO VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRÊN NỀN TẢNG BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN HÓA

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: THÁO GỠ “NÚT THẮT” ĐỂ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nhấn mạnh, các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện nhằm thu hút cao nhất các nguồn lực trong xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; đồng thời gắn phát triển công nghiệp văn hóa với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…

Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đã yêu cầu Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; đặc biệt là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đã yêu cầu Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; đặc biệt là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam

Nhận thức sự cần thiết phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn tới, Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tháng 12/2023, do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg. Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn từ nay đến năm 2030; trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh, mang nhiều giá trị Việt, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; ban hành giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển.

Hội nghị còn là dịp để tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam như: tập trung xây dựng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững; xác định được phương hướng về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phóng viên: Ông có đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam mà Chính phủ dự kiến tổ chức vào tháng 12/2023 này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Sau gần 10 năm khi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa được đưa vào là nhiệm vụ thứ 5 trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong Nghị quyết 33-NQ/TW (năm 2014) và gần 8 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2016), Hội nghị này là thời điểm chúng ta kiểm điểm lại những gì đã làm được (và cả chưa làm được), từ đó vạch ra lộ trình mới cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Phóng viên: Ông có thế nói rõ hơn về sự cần thiết tổ chức Hội nghị này trong thời điểm hiện nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Ngay từ khi xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2016), chúng ta đã đặt ra rất nhiều tham vọng đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đứng trước thách thức của sự xâm lăng văn hóa, nhâp siêu các sản phẩm văn hóa, dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, sự phát triển nhân cách con người Việt Nam, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giúp chúng ta thực thi tốt tinh thần Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng văn hóa của UNESCO trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa, tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam, khắc phục những hạn chế trong tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa, hình thành nên những không gian sáng tạo, kích thích sự thăng hoa của các tài năng văn hóa nghệ thuật của đất nước, từ đó nâng cao sức đề kháng về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đe dọa nền văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Không những thế còn giúp chúng ta lan tỏa giá trị và sức mạnh của văn hóa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Từ khi ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể

Không chỉ vậy, đây là xu thế mới, rất năng động của thế giới. Những gì mà chúng ta thấy từ sự ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ đến Việt Nam. Ban nhạc BTS, BlackPink (Hàn Quốc) hay thậm chí đơn giản chi một ca sĩ như Taylor Swiff  đã tạo ra tầm ảnh hưởng vượt quá cả một ngành kinh tế.

Tôi còn nhớ, ngày 21/9/2021 tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 tại New York (Mỹ), với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc về văn hóa và thế hệ tương lai, 7 thành viên của ban nhạc BTS đã truyền tải tiếng nói của thế hệ tương lai về thế giới trước và sau đại dịch Covid-19. Dù tất cả đều nói tốt tiếng Anh nhưng các thành viên đều phát biểu bằng tiếng Hàn. Họ giới thiệu ca khúc “Permission to dance” để chào đón một thế giới thay đổi. Sân khấu ghi hình tại trụ sở Liên Hợp quốc và livestream trên toàn thế giới. Đó thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng để chúng ta có thêm quyết tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Từ khi ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đầu tiên là nhận thức của chúng ta về các ngành công nghiệp văn hóa đã đúng đắn và đầy đủ hơn. Giờ đây, công nghiệp văn hóa không phải là một khái niệm xa lạ, mà đã trở thành khát vọng, mong muốn của nhiều địa phương và của cả đất nước.

Ngay ở diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ ý kiến mong muốn có những chính sách, giải pháp đột phá cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Không khí sáng tạo khởi nghiệp lan tỏa mọi không gian, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Hà Nội (2021) rồi Hội An, Đà Lạt (2023) đã lần lượt tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trở thành những ngọn hải đăng về sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á. Các lễ hội, tuần lễ sáng tạo, thiết kế - sáng tạo, không gian sáng tạo được tổ chức ở rất nhiều nơi…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam này là dịp để kiểm điểm lại những gì đã làm được và chưa làm được, từ đó vạch ra lộ trình mới cho các ngành công nghiệp văn hóa nước ta trong thời gian tới

Gần đây nhất, tuần lễ thiết kế - sáng tạo Hà Nội 2023 với khoảng 60 hoạt động hấp dẫn, trong đó có những hoạt động mới lạ, làm sống dậy di sản công nghiệp ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay Tháp nước Hàng Đậu, thu hút hơn 200 ngàn người tham gia, thực sự gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng sáng tạo không chỉ ở Hà Nội, Việt Nam mà cả ở cả khu vực và trên thế giới. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại thấy tinh thần sáng tạo ấy mạnh mẽ và truyền cảm hứng đến như vậy. Đặc biệt hơn nữa là không khí và tinh thần ấy xuất phát từ chính cộng đồng, cá nhân nghệ sĩ và người dân. Như thế, một lần nữa, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyên vọng của Nhân dân và thực tiễn của cuộc sống.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều đã thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp này. Nhiều hội nghị, hội thảo, đặc biệt là Hội thảo Văn hóa 2022 về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa của Quốc hội, đã chỉ rõ những điểm nghẽn cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng. Đó là những chính sách, luật pháp trực tiếp liên quan đến văn hóa, nghệ thuật cần chuyển đổi sang công nghiệp văn hóa (như Luật Điển ảnh (sửa đổi) đã thực hiện), hay Luật về tài trợ, hiến tặng, cũng như các văn bản liên quan gián tiếp nhưng vô cùng quan trọng như về thuế, đất đai, đối tác công – tư, quản lý, sử dụng tài sản công,... để Việt Nam có thể thăng hoa tài năng sáng tạo của đất nước, khai thác tốt tiềm năng văn hóa của dân tộc, kết hợp hài hòa với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang thương hiệu Việt Nam nhưng tỏa sáng toàn cầu, đem lại lợi thế cho đất nước ta trong quá trình phát triển bền vững.

Chính vì thế, tôi cho rằng Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, đặc biệt do Thủ tướng chủ trì, sẽ là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đánh giá lại những thành công/thất bại để từ đó hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, cũng là cho cả đất nước. Sự chung tay, trên dưới đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chắc chắn sẽ giúp công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực đột phá mới cho sự phát triển bền vững đất nước, thực hiện khát vọng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc của dân tộc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương