THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG THÊM DỰ ÁN LUẬT VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

08/12/2023

Để chuẩn bị cho nội dung phục vụ phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 08/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 19 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

SẼ TRÌNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BỔ SUNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024 ĐỐI VỚI 03 DỰ ÁN LUẬT

Tham dự phiên họp có: các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Cùng dự có: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp mở rộng

Trình bày Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 và được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 25/11/2019 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Luật đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện những cam kết quốc tế về phòng, chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Tuy nhiên, qua 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay của công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Để triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới, thì việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) là cần thiết.

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an đã lập đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và chuẩn bị các tài liệu kèm theo. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ xem xét, thông qua với 04 chính sách.

Một là, hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới; quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao;

Hai là, cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng;

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng trình bày Tờ trình

Ba là, cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng;

Bốn là, sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết xây dựng Luật, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính thống nhất, tính khả thi; về thời điểm trình, điều kiện bảo đảm để xây dựng và thi hành Luật. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban 

Các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật; nhận thấy, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cơ bản bảo đảm theo đúng quy định tại Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển đề nghị các cơ quan cân nhắc sự cấp thiết ban hành luật để đề xuất thời gian trình dự án luật phù hợp. Đại biểu cho biết theo chương trình của năm 2024, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì 4 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Nếu bổ sung thêm dự án luật này được sửa đổi toàn diện nhưng lại trình thông qua theo quy trình tại một kỳ họp liệu có quá áp lực công việc dồn tại một kỳ họp và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc bảo đảm tiến độ chất lượng, đại biểu đặt vấn đề.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cho rằng cần tổng kết thi hành một cách toàn diện, trong trường hợp thực sự cần thiết, cần phải thông qua tại một kỳ họp thì có thể tập trung sửa đổi bổ sung một số điều để bảo đảm tiến độ, vừa ổn định văn bản.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành thảo luận

Quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao là một trong những chính sách rất quan trọng trong lần sửa đổi này. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến bổ sung khái niệm và quy định quản lý hoạt động chế tạo, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu các loại phương tiện và dao sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.

Các đại biểu đã chỉ rõ, việc đánh giá tác động đối với chính sách này còn tương đối sơ sài, các nhận định, đánh giá còn chung chung. Trong khi đó, đối tượng tác động của chính sách này như các làng nghề sản xuất, các cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh dao là tương đối lớn.  Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung thêm các số liệu, minh chứng cụ thể để tăng tính thuyết phục cho các nội dung giải pháp được đề xuất.

Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, bảo đảm yêu cầu về hiệu quả quản lý đồng thời không tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tiếp thu ý kiến của các đại biểu 

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết thêm, thời gian qua, quá trình lập đề nghị xây dựng Luật được Bộ Công an tiến hành chặt chẽ, bảo đảm đúng trình tự thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, tổ chức hội thảo để làm rõ các nội dung còn khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh ít có luật nào mà các biện pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục được áp dụng đồng bộ, sát sao như Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, hàng năm đều có tổ chức các đợt cao điểm về quản lý việc sử dụng pháo nổ, hay vũ khí nguy hiểm. Mặc dù quyết liệt triển khai mạnh mẽ, kĩ lưỡng nhưng tình hình vi phạm pháp luật do sử dụng vũ khí, vật liệu nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Dẫn ra một số vụ việc thực tế, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng việc sửa đổi luật toàn diện là không thể chậm trễ hơn nữa.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận, các ý kiến cơ bản đồng tình sự cần thiết sớm sửa đổi để bổ sung vào chương trình 2024, nhận thấy yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước đối với vũ khí vật liệu nổ và các công cụ hỗ trợ là cần thiết bảo đảm quản lý chặt chẽ, khắc phục bất cập đã nhận diện trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý tinh thần là khẩn trương nhưng phải bảo đảm chất lượng trong xây dựng luật; đề nghị báo cáo tổng kết thi hành Luật phải đánh giá toàn diện, báo cáo đánh giá tác động những nội dung dự kiến sửa đổi, tác đồng của chính sách, cũng như tiếp tục làm rõ nội hàm của các chính sách trong dự án Luật.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh phát biểu

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức phát biểu

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa  phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng gợi ý nội dung và điều hành thảo luận

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển 

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng đề nghị cần cân nhắc phạm vi sửa đổi

y viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu đề nghị trong phạm vi sửa đổi luật lần này cần quan tâm đến quản lý vũ khí tự chế bởi nhiều vụ án liên quan đến các loại "súng hoa cải", súng tự chế. Việc sử dụng các loại vũ khí tự chế diễn ra phổ biến gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, nên cần có rà soát, nghiên cứu để có quy định

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cho rằng việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ cần có thêm đánh giá thực tiễn và đánh giá tác động, bổ sung các số liệu thống kê. Cần xác định tính sát thương cao dựa trên căn cứ đánh giá nào. Cần có ranh giới quy định để phân định dao là vũ khí có tính sát thương cao với dao trong trường hợp là công cụ sản xuất, lao động, vật dụng sinh hoạt, tránh việc quy định không rõ mà tác động tiêu cực đến đời sống

Đại diện lãnh đạo Bộ Công thương phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc làm rõ sự cần thiết và thời điểm trình dự án luật

Các Phó Chủ nhiệm, Ủy ban Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật tham gia phiên họp

Các đại biểu, khách mời tham dự phiên họp.

Bảo Yến - Nghĩa Đức