PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 19 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

25/11/2023

Sáng 25/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 19. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã dự và phát biểu chỉ đạo.

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 18

Tham dự phiên họp có: các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và Ủy viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về phía tỉnh Bắc Giang có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo các Sở, ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã dự phiên toàn thể lần thứ 19 của Ủy ban Pháp luật

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra các nội dung: Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, vừa qua, Ủy ban Pháp luật cũng đã nhận được Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh, sát nhập, thành lập một số thị trấn của tỉnh Thanh Hóa. Ủy ban Pháp luật sẽ bố trí thêm một cuộc họp để thẩm tra về nội dung này. Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng đề nghị các thành viên Ủy ban Pháp luật và các đại biểu dự phiên họp nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, tích cực tham gia phát biểu ý kiến với tinh thần xây dựng cao nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao tinh thần làm việc của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bố trí thời gian họp không quản cuối tuần để giải quyết công việc đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Ủy ban Pháp luật là một trong những Ủy ban có truyền thống của Quốc hội và có nhiều đổi mới đóng góp vào hoạt động chung của Quốc hội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban đã tham mưu để trình Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị thông qua định hướng chương trình xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ. Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực giúp Đảng đoàn Quốc hội theo dõi, đôn đốc xây dựng 5 đề án trong tổng thể Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đánh giá cao và tin tưởng ở mức cao nhất đối với Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đây là vinh dự, niềm tự hào, truyền thống mà mỗi thành viên Ủy ban Pháp luật cần cố gắng giữ gìn, kế thừa, ngày càng phát huy và phát triển hơn nữa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết các nội dung trong phiên họp toàn thể lần này đều là những nội dung rất quan trọng nhưng đều là những nội dung Ủy ban đã có kinh nghiệm. Trong đó, đối với Hồ sơ Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã được chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo, đầy đủ và có điểm tiến bộ là ngoài hồ sơ còn có dự thảo kế hoạch tổ chức triển khai. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 là thời gian khẩn trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 với phạm vi các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp là rất lớn, đòi hỏi phải có cách thực triển khai công việc linh hoạt, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Cũng tại phiên họp này Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung thảo luận, nhất trí trình đối với những nội dung đạt đồng thuận cao, đối với những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Sau khai mạc, Ủy ban Pháp luật đã nghe Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Trên cơ sở hồ sơ Đề án và các tài liệu liên quan, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Nhận thấy, việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Khu vực dự kiến thành lập thị xã Việt Yên và các phường cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2026/QH13, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng đủ quy định của pháp luật.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Ủy ban Pháp luật nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét thông qua Nghị quyết về nội dung này./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác