ĐẶT NỀN MÓNG CHO SỰ HỢP TÁC ĐA PHƯƠNG Ở CẤP ĐỘ CAO NHẤT CỦA QUỐC HỘI BA NƯỚC CAMPUCHIA-LÀO-VIỆT NAM

03/12/2023

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân lào Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm, làm việc tại Lào, dự Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ nhất. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà cho rằng, hội nghị lần này là cơ sở để đặt nền móng cho sự hợp tác đa phương ba bên ở cấp độ cao nhất của Quốc hội ba nước.

TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA HAI QUỐC HỘI, HAI NƯỚC VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ SẼ THAM DỰ HỘI NGHỊ CẤP CAO QUỐC HỘI 3 NƯỚC CAMPUCHIA - LÀO - VIỆT NAM LẦN THỨ NHẤT, THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI LÀO; THĂM CHÍNH THỨC THÁI LAN

CỦNG CỐ QUAN HỆ HỮU NGHỊ, ĐOÀN KẾT CHẶT CHẼ, HỢP TÁC TOÀN DIỆN GIỮA BA QUỐC HỘI CAMPUCHIA - LÀO - VIỆT NAM

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà.

Phóng viên: Phó Chủ nhiệm có thể cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ nhất?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà: Trong những năm qua, trong tổng thể quan hệ rất tốt đẹp trên các kênh Đảng và Nhà nước, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia góp phần quan trọng củng cố và phát triển hệ hữu nghị truyền thống giữa ba nước. Tháng 9/2023, người đứng đầu ba Đảng tổ chức cuộc gặp cấp cao Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) tại Hà Nội để thống nhất những định hướng lớn cho quan hệ hợp tác giữa ba Đảng, ba nước trên các lĩnh vực vì lợi ích chung của nhân dân ba nước. Thủ tướng Chính phủ ba nước CLV cũng tổ chức họp luân phiên hai năm một lần tại các nước thành viên nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác và phát triển tại khu vực Tam giác phát triển và kết nối ba nền kinh tế.

Thực hiện chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng trong quan hệ với hai nước bạn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, các cơ chế hợp tác cấp Ủy ban ba bên giữa ba Quốc hội đã được hình thành và tổ chức định kỳ 02 năm/lần theo hình thức luân phiên gồm: (i) Hội nghị giữa ba Ủy ban Đối ngoại nhằm giám sát, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển chung khu vực Tam giác phát triển; (ii) Hội nghị giữa ba Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhằm giám sát, thúc đẩy đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực tam giác phát triển; và (iii) Hội nghị giữa ba Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Lào - Campuchia; để đồng bộ với các cơ chế hợp tác cấp cao giữa ba nước nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương hợp tác ba nước đã được người đứng đầu ba Đảng thống nhất, cũng như giám sát, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa ba nước nói chung, tại khu vực Tam giác phát triển nói riêng, góp phần đưa mối quan hệ giữa ba nước, ba Quốc hội đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; Tại Đại hội đồng AIPA 43 (tháng 11/2022), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam.

Ngày 20/11/2022, trong khuôn khổ Đại Hội đồng lần thứ 43 Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, ba Chủ tịch Quốc hội đã gặp và thảo luận về các cách thức nhằm hiện thực hóa mối quan hệ hợp tác và đối tác liên nghị viện hiện tại và trong tương lai, đồng thời nhất trí thông qua Quy trình Thủ tục của Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia – Lào - Việt Nam.

Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần thứ nhất diễn ra có mục đích, ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm (i). Triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng trong thúc đẩy hợp tác với Lào và Campuchia trên kênh hợp tác nghị viện và Kết luận của Bộ chính trị về định hướng đối với hợp tác tiểu vùng Mê Công đến năm 2030, nhằm đáp ứng yêu cầu cả về đối nội và đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới; (ii). Tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết chặt chẽ, hợp tác toàn diện; thúc đẩy việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lập pháp, giám sát và thực tiễn giữa ba Quốc hội CLV, với trọng tâm để thúc đẩy hợp tác về chính trị đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc phòng - an ninh, giao lưu nhân dân vì sự phát triển bền vững của ba nước trong khu vực tam giác phát triển và kết nối ba nền kinh tế; (iii). Thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thoả thuận hợp tác, các dự án hợp tác mà Chính phủ ba nước đã ký kết; phối hợp thực hiện các thoả thuận quốc tế đa phương mà ba nước là thành viên; (iv). Trao đổi các cách thức để phối hợp huy động nguồn vốn từ các đối tác trong và ngoài khu vực CLV để thực hiện các chương trình, dự án của khu vực Tam giác phát triển và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên khác.

Phóng viên: Phó Chủ nhiệm có thể thông tin về những nội dung chính sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa Quốc hội ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà: Với thông điệp “Hòa bình, Hữu nghị, Đoàn kết và Hợp tác vì Thịnh vượng và Phát triển Bền vững”, sau lễ khai mạc, tại phiên toàn thể thứ nhất của Hội nghị, ba Chủ tịch Quốc hội ba nước sẽ có bài phát biểu quan trọng liên quan đến chủ đề của Hội nghị về “Tăng cường vai trò của Nghị viện Campuchia, Lào và Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác, đoàn kết và thịnh vượng” thể hiện vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị  - nền tảng quan trọng đối với an ninh và phát triển của mỗi nước, nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ ba nước. Sau đó,  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Đại diện Ủy ban Điều phối chung khu vực Tam giác Phát triển CLV sẽ có bài trình bày báo cáo và Đại diện Quốc hội Lào sẽ trình bày Báo cáo về chuyến khảo sát thực địa tại các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển ba nước CLV của Đoàn Đại biểu Quốc hội ba nước CLV.

Tại phiên họp các Ủy ban,

- Về lĩnh vực chính trị Đối ngoại, các đại biểu sẽ thảo luận về chủ đề về “Tăng cường vai trò của Nghị viện Campuchia, Lào và Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác, đoàn kết và thịnh vượng”.

- Về lĩnh vực Kinh tế, Văn hóa - xã hội: chủ đề thảo luận về “Tăng cường hợp tác Nghị viện trong thúc đẩy kết nối ba nền kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm”.

- Về lĩnh vực Quốc phòng và An ninh: sẽ thảo luận về chủ đề “Tăng cường vai trò giám sát của Nghị viện Campuchia, Lào và Việt Nam đối với công tác quốc phòng, an ninh nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định”.

Hội nghị sẽ ra Tuyên bố chung được Chủ tịch Quốc hội ba nước CLV ký tại Phiên bế mạc của Hội nghị, sẽ là phương hướng và nội dung hợp tác giữa ba Quốc hội trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà trả lời phỏng vấn báo chí.

Phóng viên: Quốc hội Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để đóng góp cho nội dung của Hội nghị/những sáng kiến, đề xuất nổi bật của Quốc hội Việt Nam, thưa Phó Chủ nhiệm?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà: Để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị này, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Lào, nước chủ nhà của Hội nghị và Quốc hội Campuchia từ sớm, từ xa ngay từ khi hình thành lên chương trình nghị sự và chương trình hoạt động của Hội nghị. Ngay từ khi xây dựng chủ trương hình thành cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban liên quan của Quốc hội, rà soát kỹ lưỡng các nội dung, kết quả hợp tác cấp Ủy ban giữa ba Quốc hội để thống nhất với Ban Đối ngoại trung ương, Bộ Ngoại giao tham mưu Đảng Đoàn Quốc hội trình Quốc hội cho phép trao đổi sáng kiến của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào và Campuchia nâng cấp cơ chế hợp tác ba Quốc hội lên cấp Chủ tịch Quốc hội để tương xứng với quan hệ chính trị ba nước.

Đóng góp của Quốc hội Việt Nam vào thành công của Hội nghị chính là các bài phát biểu của Trưởng đoàn tại Phiên toàn thể và Lễ bế mạc, các trình bày của các Ủy ban Đối ngoại, Kinh tế, Quốc phòng và An ninh tại phiên họp các Ủy ban; các tham luận của các Bộ ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.., ý kiến tham gia của đại diện các tỉnh thuộc khu vực Tác giác phát triển của Việt Nam như Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Gia Lai. Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ ngành tham dự cuộc họp.

Liên quan đến Tuyên bố chung do Quốc hội Lào dự thảo, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp với các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng ý kiến đóng góp và sẽ tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo văn kiện trên tinh thần xây dựng, thể hiện thiện chí và trách nhiệm, thúc đẩy đồng thuận chung, với tinh thần hỗ trợ cao nhất Quốc hội nước chủ nhà và hài hòa lợi ích chung của khu vực.

Phóng viên: Phó Chủ nhiệm có kỳ vọng như thế nào về kết quả của Hội nghị này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà: Tôi kỳ vọng rất lớn vào kết quả của Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần này, chính thức đặt nền móng cho sự hợp tác đa phương ở cấp độ cao nhất của Quốc hội ba nước, một mặt sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi chính trị giữa ba nước; củng cố đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh hợp tác, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, nỗ lực phát triển quan hệ chính trị thực sự là nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ ba nước, mặt khác đẩy mạnh quan hệ song phương Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào, Campuchia - Lào. Ngoài ra, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các cơ quan của Đảng, các cơ quan dân cử, các bộ, ngành Chính phủ, Mặt trận, các tổ chức nhân dân và các địa phương của ba nước, nhất là các địa phương có chung biên giới trong khu vực tam giác phát triển.

Việc ký kết Tuyên bố chung trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng để Quốc hội ba nước phối hợp hành động, thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa. Chính phủ 3 nước, phối hợp cùng nhau giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa 3 nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, thiết thực./. 

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác