QUỐC HỘI KHÓA XV VỚI NHIỆM VỤ PHẤT CAO NGỌN CỜ CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA - BÀI 1: VĂN HÓA CÒN THÌ DÂN TỘC CÒN

03/12/2023

Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế... Với trọng trách thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã phất cao ngọn cờ của Đảng về văn hóa ,chủ động "từ sớm, từ xa" gỡ điểm nghẽn về thể chế và chính sách để văn hóa phát triển ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội.

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: THÁO GỠ “NÚT THẮT” ĐỂ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy, thời kỳ nào con người và văn hóa được coi trọng thì quốc gia hưng thịnh, toàn dân trên dưới đồng lòng, sẵn sàng đối đầu với mọi “sóng gió” và vượt qua mọi thử thách; ngược lại, khi văn hóa xuống cấp, bị coi nhẹ, con người không được đặt vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách phát triển đất nước thì đất nước suy yếu, rơi vào cảnh lầm than.

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ năm 1943, trước khi Đảng ta dẫn dắt dân tộc giành được độc lập, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc và cho ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, chứa đựng những giá trị nổi bật, mang tính định hướng sâu sắc, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn phát triển mới.

Vấn đề văn hóa từ đó luôn giữ vai trò cơ bản, quan trọng trong các quan điểm, văn kiện của Đảng. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - Điều này nói lên bản chất đặc biệt quan trọng của văn hóa.

Tư tưởng này sau đó đã trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh thách thức mới, Đại hội XIII của Đảng xác định: Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Phát triển con người toàn diện và  xây dựng nền văn hóa việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Mệnh đề “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa có ý nghĩa “sống còn” đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 đã nói lên bản chất quan trọng của văn hóa là “hình thành nên tinh thần cho quốc gia”– yếu tố “then chốt” để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “sức mạnh nội sinh”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Như thế, chúng ta thấy rằng, phát triển văn hóa chính là xây dựng con người, và đồng thời là mục tiêu chính của sự phát triển đất nước.

Rất nhanh chóng, nắm bắt kịp thời tư tưởng, chủ trương của Đảng với những nhiệm vụ mới về phát triển văn hóa đất nước trong giai đoạn mới và nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng sống còn của văn hóa trong quá trình phát triển lâu dài, bền vững của dân tộc, Quốc hội đã hành động, phân công Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với một số cơ quan tổ chức Hội thảo Văn hóa quy mô, tầm cỡ nhất từ trước đến nay ngay trong năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” để quán triệt tinh thần, quan điểm, chủ trương mới của Đảng về văn hóa và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cũng như tìm ra những điểm nghẽn về thể chế và gợi ý chính sách, nguồn lực phù hợp cho văn  hóa trong giai đoạn mới.

Chính tại Hội thảo Văn hóa 2022 của Quốc hội, rất nhiều vấn đề, điểm nghẽn được mổ xẻ, chỉ ra: Văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, mức chi cho văn hóa còn thấp, đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, kém hiệu quả, chưa tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững của đất nước. Mặt khác, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn nặng về giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu một cách thực chất…

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Hội nghị lần thứ X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX từ 7/2004 đã yêu cầu: “Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách văn hóa nhà nước”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay theo Báo cáo của các địa phương thì có rất ít các tỉnh, thành phố đảm bảo đạt tỷ lệ đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đối với các tỉnh nghèo tỷ lệ chi cho văn hoá chỉ đạt từ 0,6-0,9% tổng chi ngân sách địa phương. Ví dụ như Long An chỉ đạt 0.82%.

Bên cạnh đó, hiện nay việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở vẫn đang là một thách thức. Đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở vừa thiếu vừa yếu, phải sử dụng các cán bộ kiêm nhiệm trái ngành nghề. Nhiều di sản có nguy cơ bị xâm phạm, các lễ hội dân gian bị biến tướng, nhiều nét văn hóa truyền thống bị mai một, các thiết chế văn hóa được xây dựng quy mô nhưng hoạt động cầm chừng. Những mảng màu tối trong bức tranh hoạt động văn hóa cơ sở cũng một phần do hạn chế về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ văn hóa tại các địa phương….

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, không chỉ các di tích cấp quốc gia mà hiện nay, nhiều di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh ở nước ta cũng đang “đua nhau” xuống cấp… mà không có kinh phí tu bổ. Mặt khác, do không có biên chế chính thức nên đội ngũ bảo vệ trực tiếp tại di tích phần đa đều chưa am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều nơi, Ban Quản lý, Ban bảo vệ, trụ trì chưa quan tâm đến di tích, còn để tình trạng xuống cấp một số hạng mục trong di tích….

Đặc biệt, sự gián đoạn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong những năm qua thực sự đã để lại nuối tiếc trong các đại biểu Quốc hội, cán bộ trong ngành văn hóa. Nhìn lại những giai đoạn trước, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các năm 2012 - 2015 và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 có tính chất “vốn mồi” đã đem lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; thực sự là nguồn lực hỗ trợ, cứu sinh và phát triển của nhiều công trình, giá trị văn hoá.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, khi các di tích xuống cấp trầm trọng; di sản phi vật thể mai một và có nguy cơ thất truyền; nhà văn hoá, địa điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng xập xệ, không thể hoạt động… thì chính kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trước đây được xem như “chiếc phao cứu sinh”. Ở nhiều nơi, nguồn kinh phí này được xem như “vốn mồi” góp phần tích cực “cứu” các di sản văn hoá, tạo nguồn lực xây dựng, phát triển thiết chế văn hoá phục vụ cộng đồng… Tuy nhiên, đến giờ lại gián đoạn.

Khi các di tích xuống cấp trầm trọng, di sản phi vật thể mai một và có nguy cơ thất truyền...

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 đã triển khai mục tiêu hỗ trợ tu bổ 300 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, 1200-1500 di tích quốc gia được hỗ trợ chống xuống cấp, thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ trình UNESCO… Chương trình được thực hiện với mục tiêu nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, thất truyền vĩnh viễn di sản văn hóa vật thể; nâng cao tính bền vững, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hệ thống di sản này. Mỗi năm, đầu tư tu bổ tổng thể cho hàng chục di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho cả trăm di tích. Nguồn vốn từ Chương trình cũng tạo nguồn lực tổng kiểm kê giá trị văn hóa phi vật thể trên cả nước, xây dựng bản đồ phân bố giá trị văn hóa phi vật thể. Từ đây, đã có hàng trăm dự án sưu tầm bảo tồn lưu giữ văn hóa phi vật thể, hoàn chỉnh ngân hàng dữ liệu về loại hình văn hóa này…

Là người từng tham gia tư vấn, tham mưu xây dựng một phần các văn bản này, hiểu rõ những kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước ta đặt vào các mục tiêu trong Chương trình , GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá là nguyện vọng, mong cầu của toàn thể người dân Việt Nam về một nền văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, đất nước ta còn nghèo, còn nhiều vấn đề cấp bách hơn phải giải quyết, cho nên dù các mục tiêu, quyết sách đưa ra rất chuẩn xác, toàn diện, cấp thiết, nhưng do không có kinh phí thực hiện, nên nhiều mục tiêu, kỳ vọng vẫn còn đang nằm trên giấy. Sau một thời gian bị gián đoạn, GS.TS Từ Thị Loan mong Chương trình này sẽ được thúc đẩy nối lại và kéo dài trong 10 năm (2025 – 2035) sau khi có tiếng nói từ Hội thảo Văn hóa 2022 của Quốc hội.

Trong các giai đoạn trước, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là sự hỗ trợ kịp thời và quan trọng giúp ngành văn hóa và các Bộ, ngành khác có thể hiện thực hóa những mục tiêu lớn đã đề ra trong Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Trân cơ sở nhìn nhận toàn diện những tồn tại, bất cập này, Hội thảo Văn hóa của Quốc hội đã thống nhất được 09 nhóm chính sách và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần ưu tiên tập trung làm ngay để thể chế hóa tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.

Có thể thấy, bên cạnh chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được ghi trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong nhiều chính sách, pháp luật của Quốc hội, với những chủ trương, quan điểm mới của Đảng nói chung và về văn hóa nói riêng, Quốc hội vẫn luôn nỗ lực bám sát, để những quan điểm ấy đi vào pháp luật và chính sách một cách nhanh chóng, thiết thực, và hiệu quả nhất.

Có thể khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân có vai trò quyết định đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, gần 80 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã luôn chú trọng, bám sát và nỗ lực thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách, pháp luật, thông qua các quyết sách quan trọng nhằm phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác