YÊU CẦU MỚI CHO PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

30/11/2023

Tại phiên thảo luận toàn thể ở Hội trường về kinh tế, xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề cơ cấu dân số và thích ứng với già hóa dân số. Cũng quan tâm đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, “cơ cấu dân số vàng” và “già hóa dân số nhanh” ở Việt Nam đang đặt ra yêu cầu mới cho phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Theo TS. Trịnh Thu Nga, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2021-2030, chuyển đổi nhân khẩu học của Việt Nam vẫn tiếp tục theo xu hướng kép “cơ cấu dân số vàng” và “già hóa dân số nhanh”. Xu hướng chủ đạo “già hóa dân số nhanh” và các xu hướng khác như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nguy cơ bất ổn truyền thống và phi truyền thống từ bên ngoài như xung đột chiến tranh, khủng hoảng kinh tế - tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống, KT-XH của nước ta, đặt ra yêu cầu mới cho phát triển thị trường lao động (TTLĐ) và đảm bảo an sinh xã hội.

Đó là yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, linh hoạt và thích ứng nhanh với các thay đổi của khoa học và công nghệ để tận dụng cơ hội dân số vàng; yêu cầu về một hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân, thực hiện hiệu quả ba chức năng thúc đẩy, phòng ngừa và bảo vệ mọi người dân khi gặp rủi ro trong cuộc sống, đặc biệt là thích ứng với tốc độ già hóa nhanh của dân số.

TS. Trịnh Thu Nga, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Theo đó, để tận dụng cơ hội dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số (GHDS) nhanh trong bối cảnh mới, một số giải pháp quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 bao gồm:

Một là, nâng cao chất lượng người lao động thông qua tăng cường cơ hội học tập suốt đời; phát triển nhanh lực lượng lao động chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất lao động để tạo đột phá trong phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với GHDS - Tăng cường đào tạo đáp ứng nhu cầu TTLĐ, trong đó chú trọng đổi mới hệ thống GD-ĐT theo hướng trang bị năng lực cho người học; tăng cường đào tạo gắn với doanh nghiệp, đào tạo tại doanh nghiệp cho người lao động; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp để đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.

Xây dựng cơ chế, chính sách duy trì và phát triển các phương thức học tập suốt đời. Trên cơ sở đó, phát triển hệ thống GD-ĐT học tập suốt đời thông qua các khóa học dài hạn và ngắn hạn linh hoạt theo nhu cầu và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động, nhất là lao động trung niên (từ 35 tuổi trở lên) và lao động cao tuổi để duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên vừa học, vừa làm để nâng cao trình độ, thích ứng với TTLĐ. Chú trọng cải thiện cơ hội giáo dục cho thanh niên nghỉ học sớm ở cấp giáo dục phổ thông và mở ra các cơ hội cho họ tham gia giáo dục, đào tạo nghề nghiệp ở cấp cao hơn; xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn mới (2021-2030).

Phát triển nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng chính sách ưu tiên phát triển nhân lực có khả năng nắm giữ vị trí then chốt, đầu tàu dẫn dắt quá trình tăng trưởng và phát triển KT-XH; xây dựng và thực thi các chương trình/đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, phát triển việc làm năng suất, chất lượng, chú trọng phân bổ và sử dụng hợp lý lực lượng lao động nhằm phát huy lợi thế dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Nội luật hóa, thể chế hóa phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực hội nhập kinh tế quốc tế và hoàn thiện thể chế TTLĐ, quan hệ lao động để thúc đẩy việc làm bền vững cho người lao động. Phát triển các định chế TTLĐ để tăng cường kết nối cung - cầu lao động nhằm toàn dụng NNL và bố trí đúng người, đúng việc trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ đến năm 2030 “tạo và cung cấp thông tin cần thiết để bố trí đúng người, đúng việc; xây dựng chiến lược kết nối việc làm hiệu quả; phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động (Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 6/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ)".

Trong thời gian tới, cần nghiên cứu xây dựng chính sách bảo hiểm việc làm (thay thế cho bảo hiểm thất nghiệp) theo hướng chủ động bảo vệ và duy trì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, mở rộng độ bao phủ đến người lao động phi chính thức. Phát triển nhanh TTLĐ trình độ cao để tạo đột phá trong phát triển việc làm chất lượng, năng suất cho nền kinh tế. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế thu hút, quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế và TTLĐ tạo môi trường cho lao động trí thức, lao động chất lượng cao tự do di chuyển giữa các ngành, vùng, lĩnh vực trong nước và quốc tế, nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tri thức, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu và phân công lao động quốc tế.

Duy trì và phát triển việc làm cho thanh niên và người cao tuổi để toàn dụng nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng năng suất lao động. Phát triển việc làm cho thanh niên: đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, phân luồng đào tạo nghề hiệu quả từ cấp trung học cơ sở; chú trọng tăng cường đầu tư và cải thiện hoạt động của các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm của Đoàn thanh niên; trang bị cho lao động thanh niên các kỹ năng thông qua giáo dục giới tính toàn diện, kỹ năng sống và kiến thức để hoạch định cuộc sống; tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể trong tạo mối quan hệ và việc làm cho thanh niên; Thúc đẩy, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp; tăng cường giới thiệu các dịch vụ phát triển doanh nghiệp cho thanh niên có nhu cầu và các doanh nhân trẻ...

Tạo việc làm phù hợp và thu nhập thỏa đáng cho người cao tuổi có nhu cầu làm việc để họ chủ động đảm bảo an ninh thu nhập và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển KT-XH. Điều chỉnh, hoàn thiện và thực thi các chính sách kinh tế, nhất là chính sách phát triển ngành, doanh nghiệp nhằm gỡ bỏ những rào cản cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tạo việc làm năng suất và chất lượng cho mọi người lao động. Lồng ghép các mục tiêu phát triển việc làm trong thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng sang những công đoạn có hàm lượng tri thức cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực… Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn, ngành có giá trị gia tăng cao hơn, nhằm thu hút người lao động có kỹ năng vào khu vực FDI...

Ba là, nâng cao năng lực hệ thống an sinh xã hội thích ứng với già hóa dân số nhanh. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại hướng tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, góp phần đảm bảo an ninh thu nhập cho người cao tuổi trong tương lai. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28- NQ/TW chú trọng cải cách hệ thống hưu trí, đổi mới các chính sách bảo hiểm tự nguyện, phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung, hấp dẫn người lao động tham gia; hoàn thiện cơ chế quản lý và đầu tư Quỹ BHXH an toàn, bền vững, hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách; tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH…

Phát triển hệ thống chăm sóc xã hội toàn diện. Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về dịch vụ chăm sóc xã hội, phát triển đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp cho chăm sóc xã hội và chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; Ban hành các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia chăm sóc dài hạn; xây dựng và phát triển chính sách bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi theo lộ trình; phát triển mạng lưới các cơ sở chính sách xã hội theo phương thức đối tác công - tư nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người cao tuổi, bao gồm các nhà dưỡng lão, các trung tâm bảo trợ xã hội…

Hồ Hương