XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ PHỤC VỤ AN SINH SỐ, CHÍNH PHỦ SỐ, KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

27/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an sinh xã hội đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ an sinh số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, về hạ tầng số an sinh xã hội, tính đến ngày 12 tháng 7 năm 2023, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối thông tin phục vụ Chính phủ số đến 1005 huyện, xã trên toàn quốc, tạo nền tảng cho hạ tầng số ASXH phát triển.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ASXH đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ an sinh số,chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Kết quả trọng tâm bước đầu đã đạt được, như giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Triển khai Nền tảng chia sẻ, tích hợp cấp bộ, địa phương (LGSP- Local Government Service Platform), kết nối với Nền tảng kết nối, chia sẻ quốc gia (NGSP - National Government Service Platform) qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Thông qua NGSP đã kết nối được với các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);  Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH (BHXH Việt Nam); nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý trạm y tế xã, quản lý thông tin y tế, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và ngân hàng dữ liệu ngành dược; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); Cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung (Bộ Thông tin và Truyền thông); Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), thu thập, cập nhật, phân tích, xử lý số liệu thống kê của cả nước, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về kinh tế, dân số, lực lượng lao động, việc làm, BHXH; thu thập, cập nhật và xử lý số liệu thực hiện của 63 tỉnh/thành phố hàng tháng, hàng quý về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, người có công, bảo trợ xã hội, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội...của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành về ASXH.

Thêm vào đó, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách và giao dịch với cơ quan quản lý về ASXH, các đơn vị đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng với các nền tảng kênh số khác nhau: Tổng đài điện thoại 19009068, Cổng thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Zalo... góp phần thúc đẩy ASXH Việt Nam phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế.

Về cung cấp dịch vụ an sinh xã hội trên môi trường số, trên cơ sở Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), các cơ quan quản lý Nhà nước về ASXH đã triển khai, hoàn thiện một số  hoàn thiện một số dịch vụ công trên cơ sở kết nối, khai thác, xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo thuận lợi hơn cho người dân khi thực hiện giao dịch, như: Dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng;  dịch vụ công liên thông tích hợp với cổng DVC quốc gia: "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng", tính đến 27/3/2023, BHXH 02 địa phương triển khai làm điểm (Hà Nam và Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết 19.818 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 740 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 02 nhóm DVC liên thông; dịch vụ công giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và chi trả quá trình đóng BHTN cho 81.830 trường hợp; dịch vụ công tham gia đóng BHXH tự nguyện: Được thực hiện trên cở sở khai thác thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng khi giải quyết chế độ, thủ tục hành chính cho người dân, thúc đẩy chuyển đổi an sinh số, công dân số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin an sinh xã hội trên môi trường số, trong thời gian qua, việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ASXH trên môi trường số đang từng bước hướng tới sự an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số từ môi trường thực lên môi trường số. Kết quả đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện theo dõi, phân tích log tường lửa, máy chủ, các thiết bị an ninh mạng; Quản lý cấu hình thiết bị mạng, máy chủ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu; Cập nhật bản vá hệ điều hành, các thiết bị bảo mật; cập nhật bản quyền cho hệ thống Mail Gateway, tường lửa, chống spam mail, chống virus; thực hiện đánh giá cấp độ của các hệ thống thông tin theo hướng dẫn tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ. Kịp thời thông báo và phối hợp rà quét, xử lý các cảnh báo về mã độc, lỗ hổng mất an toàn thông tin.

Chẳng hạn, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện và cảnh báo 333 tài khoản người dùng đăng nhập VPN có nguy cơ lộ thông tin; phát hiện và ngăn chặn 09 tài khoản tại các đơn vị có dấu hiệu gửi thư rác với số lượng lớn. Hệ thống phòng chống mã độc, EDR phát hiện 6.224 máy tính bị nhiễm mã độc với 9.891 loại mã độc; phát hiện và ngăn chặn 1.131 trường hợp tài khoản đăng nhập (SSO) không an toàn. Về cơ bản, các nguy cơ về an toàn thông tin được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình ASXH số ở Việt Nam mau thành tựu toàn diện.

Minh Hùng