CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ TỔ CHỨC AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM PHÁT TRIỂN HIỆN ĐẠI

26/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, theo định hướng phát triển, Việt Nam sẽ xây dựng tổ chức an sinh xã hội hiện đại, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế, chính vì vậy, chuyển đổi số chính là điều kiện tiên quyết để tổ chức an sinh xã hội ở Việt Nam phát triển hiện đại.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, chuyển đổi số được coi là cú hích cho sự chuyển đổi phương thức làm việc của nhiều lĩnh vực, nhiều nghề nghiệp trong đó có lĩnh vực ASXH. Theo định hướng phát triển, Việt Nam sẽ xây dựng tổ chức an sinh xã hội (ASXH) hiện đại, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế, chính vì vậy, chuyển đổi số chính là điều kiện tiên quyết để tổ chức ASXH ở Việt Nam phát triển hiện đại.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Về dữ liệu số an sinh xã hội, đối với hệ thống ASXH, để có thể chuyển các hoạt động quản lý, kiểm soát, khai báo, đăng ký, lưu trữ, tra cứu và thụ hưởng ASXH sang môi trường số, tức là số hóa thông tin đầu vào, đây chính là bước chuyển đổi thông tin từ dạng analog ở thế giới thực sang định dạng kỹ thuật số. Trên cơ sở hệ thống dữ liệu việc ứng dụng kỹ thuật số để liên kết, sử dụng dữ liệu số sẽ làm cho hệ thống ASXH trở lên thuận lợi, nhanh, hiệu quả so với cách thức truyền thống, khi phải tác nghiệp với đống hồ sơ lưu trữ. Và khi các hoạt động ASXH diễn ra trên môi trường số không chỉ sẽ gia tăng và làm giàu hơn nguồn dữ liệu, tiết kiệm chi phí in sao hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt” trong ASXH.

Trên cơ sở triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm xã hội (BHXH), ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm như: Xây dựng Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ cơ sở dữ liệu tập trung, ngành BHXH Việt Nam chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tính đến 15 tháng 7 năm 2023, hệ thống thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư đã xác thực được 88.797.864 thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 91% tổng số người tham gia) với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 123.866.984 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư; 12.519 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai  KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (CCCD) đạt 97,7% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, tra cứu thành công với 32.585.579 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.

Bên cạnh đó, việc việc triển khai hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT thay cho BHYT giấy (gần 30 triệu tài khoản VssID với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thể trên VssID phục vụ KCB BHYT)[24]; gia hạn 18.218 thẻ BHYT thông qua dịch vụ công gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 187.694 trường hợp; tiếp nhận và xử lý 2.664 giao dịch đăng ký, đóng BHXH tự nguyện,.. ngoài ra, BHXH Việt Nam còn thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp, liên thông các TTHC, DVC trực tuyến, triển khai ứng dụng “Định danh điện tử quốc gia” (VneID), Sổ sức khỏe điện tử, hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam.

Những thay đổi trên đã giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và cán bộ y tế khi  làm thủ tục KCB BHYT. Cơ quan BHXH giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT (chỉ tính riêng năm 2022, đã tiết kiệm 24,7 tỷ đồng so với năm 2021), tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin, tạo bước ngoặt, góp phần kiến tạo ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng của Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia.

Đối với lĩnh vực TCXH những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết nối dịch vụ công thành công tới Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của 57/63 tỉnh, thành phố được triển khai và tiếp nhận hồ sơ tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn (06 địa phương còn lại đang khẩn trương hoàn thành việc kết nối: Lai Châu, Khánh Hòa, Bạc Liêu Quảng Bình, Tuyên Quang, Đắk Nông). Tính đến ngày 12/07/2023, cả nước có hơn 3.727.764 người (chiếm khoảng 3,8% dân số) hưởng chính sách TGXH thường xuyên tại cộng đồng (trong đó: 1.412.862 người cao tuổi; 1.622.639 người khuyết tật; 16.205 trẻ em mồ côi; 146.807 trẻ em dưới 3 tuổi; 85.151 người đơn thân nuôi con) và 365.822 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng BTXH.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực người có công được triển khai tại địa chỉ https://csdl-nguoicocong.molisa.gov.vn. Đến nay, hệ thống liên thông đã tiếp nhận 377 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp mai táng từ dịch vụ công liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ mai táng phí. Đến nay toàn bộ 63/63 tỉnh/thành phố đã triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH.

Ngoài trụ cột BHXH trong cấu trúc ASXH, thì cấu trúc về việc làm, thu nhập và giảm nghèo, hiện đã triển khai việc tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo với CSDL quốc gia về dân cư , bước đầu thu thập hơn 7 triệu dữ liệu trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo cơ chế quản lý tập trung thống nhất tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Cấu trúc ASXH về các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như tình trạng người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin…đang khai thác, cập nhận, làm sạch trường dữ liệu để kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cổng thông tin CSDL quốc gia về dân cư.

Minh Hùng