ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: LÀM RÕ CHỨC NĂNG, THẨM QUYỀN CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG TRONG QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐÔ THỊ, ĐƯỜNG ĐÔ THỊ
GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN VÀ ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT ĐƯỜNG BỘ TRONG BỐI CẢNH MỚI
Việc ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và trạm sạc cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện, là vấn đề trọng tâm cần quy định trong Luật Đường bộ. Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai góp ý cụ thể vấn đề này .
Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai
Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh gía thế nào về tính thống nhất giữa Dự thảo Luật Đường bộ với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đất đai và Luật Quy hoạch khi ưu tiên sử dụng đất để xây dựng trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe, trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến?
ĐBQH Sùng A Lềnh: Về phạm vi điều chỉnh, tôi cho rằng, dự thảo luật có tên gọi là Luật Đường bộ, nhưng Điều 1 của dự thảo luật lại xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động đường bộ. Bên cạnh đó trong luật, hoạt động đường bộ, Điều 1 liệt kê cả hoạt động sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ. Nhưng Chương IV của dự thảo luật chỉ quy định về vận tải đường bộ, bao gồm kinh doanh vận tải đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ, không bao gồm trường hợp khác mà người sử dụng phương tiện để tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Như vậy, giữa tên luật, phạm vi điều chỉnh và nội dung cụ thể trong dự thảo luật chưa có sự thống nhất, có phần chồng lấn với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ cho phù hợp, bảo đảm phân biệt với phạm vi điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hai là về tính thống nhất với Luật Đất đai. Khoản 1 Điều 5 của dự thảo luật quy định "ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông giữ phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và trạm sạc cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện". Khoản 3 Điều 47 của dự thảo quy định "đất được Nhà nước đền bù, thu hồi để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm: Đất quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 16 luật, đất để xây dựng trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe, trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến". Như vậy, quy định của dự thảo luật có khả năng xung đột với quy định về ưu tiên sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.
Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, lược bỏ trong dự thảo luật các nội dung có liên quan đến Luật Đất đai, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, bổ sung các chính sách về đất đai để phát triển công trình đường bộ trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Ba là về tính thống nhất với Luật Quy hoạch. Điều 6 của dự thảo luật quy định về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch hệ thống đường địa phương, đường đô thị. Khoản 6 Điều 6 quy định quy hoạch đường tỉnh, đường huyện và đường khác thuộc hệ thống giao thông nông thôn được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh và quy hoạch khác có liên quan. Tên các quy hoạch nêu tại dự thảo luật không có trong Luật Quy hoạch, do đó đề nghị điều chỉnh lại cho thống nhất.
Phóng viên: Tại Điều 32 quy định về trách nhiệm xây dựng công trình đường bộ là vấn đề trọng tâm trong lần sửa đổi này. Quan điểm của đại biểu xung quanh vấn đề này như thế nào?
ĐBQH Sùng A Lềnh: Tại khoản 1, Điều 32 của dự thảo luật dẫn chiếu áp dụng pháp luật trong đầu tư xây dựng công trình đường bộ đến pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên chưa rõ các hình thức đầu tư khác là dẫn chiếu đến pháp luật nào, có bao gồm pháp luật về đầu tư không? Bởi vì trong hệ thống đường bộ quy định tại Điều 10 và Điều 11 còn bao gồm cả đường chuyên dùng, đường nội bộ bên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường đại học, bệnh viện, công trường xây dựng, v.v.. Vấn đề này cần phải được làm rõ để đảm bảo cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện.
Hơn nữa, mặc dù tại khoản 1 Điều 32 dẫn chiếu đến pháp luật có liên quan như đã nêu ở trên, nhưng khoản 2 Điều 32 lại quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng đã có quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai dự án đầu tư xây dựng. Nếu dự thảo Luật Đường bộ lại quy định về thẩm quyền tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng thì không rõ nội hàm của thẩm quyền này bao gồm những hành vi nào, có xung đột với các luật nêu trên về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, chấp thuận đầu tư hay không?
Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ quy định này và thực hiện thống nhất theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư để tránh gây ra cách hiểu áp dụng pháp luật khác nhau.
Phóng viên: Dự thảo Luật quy định về 2 loại phí là phí sử dụng đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sở hữu, quản lý khai thác? Quan điểm của đại biểu về quy định 2 quỹ này để không trùng lặp?
ĐBQH Sùng A Lềnh: Về phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sở hữu, quản lý khai thác, Điều 45 và Điều 90. Dự thảo luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại điểm a khoản 2 Điều 45 và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sở hữu, quản lý và khai thác, điểm b khoản 2 Điều 45 và mục 1.2 Điều 90 có thể dẫn tới việc thu trùng với các loại phí liên quan đến đường bộ.
Dự thảo luật đã bỏ quy định về quỹ bảo trì đường bộ được quy định tại Điều 49 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Hiện nay việc thu nộp và sử dụng phí đường bộ được thu qua đầu phương tiện ôtô sau khi trừ chi phí tổ chức thu được nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ.
Do đó, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo đánh giá tác động của việc quy định thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không chỉ bao gồm ôtô để làm cơ sở xây dựng các chính sách mới của dự thảo luật.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!