ĐBQH TRẦN THỊ THU ĐÔNG: ĐỀ NGHỊ CÂN NHẮC TRONG VIỆC QUY ĐỊNH CẤM TUYỆT ĐỐI NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG TRONG MÁU HOẶC HƠI THỞ CÓ NỒNG ĐỘ CỒN

24/11/2023

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 24/11, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chia sẻ bên lề phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐQBH tỉnh Bạc Liêu tán thành sự cần thiết ban hành, đồng thời đề nghị cân nhắc trong việc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tại dự thảo Luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 

Bố cục dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 09 chương, 81 điều. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Phóng viên: Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Qua nghiên cứu Tờ trình cũng như Hồ sơ dự án Luật, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án luật?

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Tôi tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về trật tự an toàn giao thông đường bộ, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước bối cảnh tốc độ đô thị hóa, dân số và phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng.

Ngoài ra, việc tách các nội dung của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2008 để xây dựng 02 dự án luật (Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ) là cần thiết để quy định đầy đủ, cụ thể về từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng , Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”.

Về hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thể hiện sự chu đáo, cầu thị của Chính phủ, Bộ Công an trong việc hoàn thiện dự án Luật. Đồng thời, Hồ sơ dự án Luật cũng bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp với tính chất đây là dự án Luật được xây dựng mới theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung chương trình năm 2023.

Phóng viên: Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tham gia góp ý tại phiên thảo luận là về các quy định cấm (Điều 8). Vậy, quan điểm của đại biểu về quy định này tại dự thảo luật như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Hiện nội dung gây tranh cãi và có nhiều quan tâm chính là quy định cấm rượu bia tại khoản 1 điều 8, nội dung này hiện đang được quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, quy định: “Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật năm 2018 như sau: 8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này là cơ sở cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định số 100 ngày 30/12/2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Tôi kiến nghị, thứ nhất nếu chúng ta đã có các thiết bị xác định chính xác các chỉ số làm xăn cứ xác định hành vi vi phạm, thì cần xem xét cả căn cứ khoa học để đảm bảo xử lý vừa hợp lý, hợp tình, tránh việc không xác định được nên cấm. Thứ hai, nên tham khảo cách quy định của BLHS, theo đó, đối với nội dung này có thể sửa thành: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, chất kích thích vượt quá mức quy định”.

Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến nhóm các hành vi tại khoản 25, khoản 26 nằm trong nhóm các hành vi trong nội dung phòng chống tham nhũng mà không chỉ diễn ra trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, nên kiến nghị, không cần thiết đưa vào mà nên quy định ở nhóm văn bản về phòng chống tham nhũng hoặc các quy định về chuẩn mực của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, một loạt các nội dung khoản 8 đến khoản 11 nên quy định gọn lại hoặc nên chuyển sang luật đường bộ nếu liên quan đến yếu tố kỹ thuật phương tiện giao thông. Các khoản 15, 16 và khoản 25, 26 nên chuyển sang văn bản khác, điều khác về quy tắc chuẩn mực của tham gia giao thông hoặc quy định chung về giao tiếp công vụ hoặc các quy định về phòng chống tham nhũng.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo, đại biểu có quan tâm góp ý đối với nội dung nào tại dự luật?

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Để góp phần cho dự án Luật được hoàn chỉnh, khả thi nhất khi được Quốc hội thông qua, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm nghiên cứu một số  vấn đề cụ thể như sau:

Về điều khoản nguyên tắc (Điều 4): Do việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ dừng ở mục tiêu thiết lập trật tự trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, mà còn hướng đến tạo thói quen, hình thành văn hóa ứng xử trong giao thông đường bộ, mà điều khoản về nguyên tắc quy định về tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong văn bản, do đó trong điều khoản, bên cạnh đề ra các nguyên tắc về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, cần thiết có thêm nguyên tắc trong thiết lập văn hóa tham gia giao thông đường bộ.

Về giải thích từ ngữ (Điều 3): Đề nghị cần làm rõ khái niệm tai nạn giao thông đường bộ tại khoản 40, do khái niệm đưa trong dự luật gây khó hiểu khi xác định tình trạng này, tôi nhất trí cần phải làm rõ theo hướng xác định đây là sự cố va chạm giữa người, phương tiện tham gia giao thông với người, phương tiện hoặc vật thể khác trên đường bộ, gây ra thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khoẻ của con ng¬ười, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong dự Luật hiện còn lồng ghép cả yếu tố chủ quan là không tường minh, nếu vẫn giữ cách định nghĩa của dự luật, kiến nghị nên sử dụng thuật ngữ “do lỗi vô ý” khi xác định rõ yếu tố chủ quan trong thuật ngữ này.

Đối với các khái niệm “người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” và “người lái xe” quy định tại khoản 8 khoản 9 của Điều này, tôi kiến nghị cần xem xét lại để sử dụng thống nhất thuật ngữ người lái xe hay người điều khiển xe cơ giới.

Về nội dung liên quan về quy tắc giao thông đường bộ, tôi kiến nghị thống nhất quy định với BLDS để điều chỉnh độ tuổi của một số nội dung liên quan đến trẻ 6 tuổi.

Về thời gian bật đèn xe nên phân rõ thời gian cho mùa hè – mùa đông cho phù hợp với thực tế các mùa ở nước ta. Tôi kiến nghị mùa hè là 19h hôm trước đến 05h sáng hôm sau, mùa đông là 18h hôm trước đến 06h hôm sau.

Về phương tiện giao thông, hiện các phương tiện thông minh đang ngày càng phát triển và được sử dụng phổ biến hơn theo xu thế chung của thế giới. Do đó, tôi đề nghị bổ sung các quy định đảm bảo TTATGT khi các phương tiện này tham gia GTĐB như các điều kiện sử dụng hệ thống tự lái, trách nhiệm của chủ phương tiện khi sử dụng hệ thống tự lái mà xảy ra tai nạn trên cơ sở có tham vấn các quy định quốc tế và khả năng áp dụng ở Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Phạm Thắng