DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ: CẦN QUAN TÂM HƠN ĐẾN HÌNH THỨC KINH DOANH VẬN TẢI LIÊN QUAN ĐẾN TRẺ EM VÀ HỌC SINH

24/11/2023

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ là quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em và liên quan đến học sinh. Người đứng ra tổ chức, hợp đồng và chịu trách nhiệm phải là các nhà trường, tránh tình trạng ở một số nơi giao cho ban phụ huynh thực hiện việc này là chưa phù hợp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về dự thảo Luật này là quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Đại biểu nhận thấy cơ quan soạn thảo đã cố gắng để phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhận thấy, còn một số nội dụng quy định đồng thời ở 2 luật, điều này không thuận tiện cho người dân trong quá trình áp dụng và thực thi luật. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm quy định không bỏ sót nhưng cũng không trùng lặp và dễ áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Quan tâm đến hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ôtô được quy định tại Điều 76 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ về hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Vì trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn hết sức đáng tiếc liên quan đến việc đưa đón học sinh. Đại biểu Mai Thoa cũng đánh giá cao sự cố gắng của Ban soạn thảo để cùng quy định về nội dung này ở cả 2 luật mà không trùng nhau.

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhận thấy, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phần nhiều nội dung trong dự thảo Luật Đường bộ vẫn liên quan đến việc bảo đảm an toàn giao thông. Do đó, đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ôtô là một trong các loại hình vận tải hành khách để phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách. Các quy định còn lại có thể chuyển hết sang quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thuận lợi cho người áp dụng.

Hiện nay, Điều 76 của dự thảo Luật không quy định nhiều nội dung nhưng chủ yếu là các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn và dẫn chiếu đến các điều khoản liên quan. Trong đó, đại biểu nhận thấy, còn một số quy định chưa hợp lý, ví dụ việc quy định hoạt động đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức là hoạt động vận tải nội bộ là chưa hợp lý. Vì Điều 61 khoản 13 của dự thảo Luật quy định “hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ôtô là hoạt động vận tải không kinh doanh để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ”. Trong khi đó, các trường học đều phải thu tiền để tổ chức đưa đón học sinh và trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt đây có phải là kinh doanh hay không.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật đối với các trường hợp các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh thì người đứng ra tổ chức, hợp đồng và chịu trách nhiệm phải là các nhà trường, tránh tình trạng ở một số nơi giao cho ban phụ huynh thực hiện việc này là chưa phù hợp.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBHQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Cơ bản đồng tình với bố cục, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường bộ gồm 6 Chương 92 Điều, quy định về hoạt động đường bộ gồm các quy định về quy hoạch đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thấy còn khá nhiều các điều luật có nội dung, nội hàm chồng chéo, đan xen lẫn nhau về trách nhiệm, về thẩm quyền giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cụ thể tại Điều 76 quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ôtô hay Điều 29 về tổ chức giao thông, Điều 62 về vận tải hành khách bằng xe ôtô, Điều 55 về tạm dừng khai thác trên cao tốc, Điều 65 về quyền, nghĩa vụ của hành khách và một số điều luật khác.

Do đó, để đảm bảo tính phù hợp, thống nhất giữa 2 dự án Luật với nhau cũng như với hệ thống pháp luật hiện hành, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát thận trọng, tính toán kỹ lưỡng để thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật sát với thực tiễn, sát với phát sinh trong đời sống để giải quyết một cách khoa học, căn cơ và tiến bộ. Qua đó, để đạt được mục tiêu lớn nhất là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc, kẹt xe và tạo thuận lợi, thông thoáng trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ một cách hiệu quả nhất.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Cơ bản đồng tình với việc ban hành dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) trên cơ sở có sự kế thừa của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh còn băn khoăn về kinh doanh vận tải bằng ôtô từ khoản 5 đến khoản 14 Điều 61 của dự thảo Luật.

Dự thảo nêu rõ kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải, trực tiếp điều hành phương tiện lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bus, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Như vậy, đại biểu Thạch Phước Bình nhận thấy, dự thảo Luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ. Đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo Luật, để tạo cơ sở pháp lý trong luật nhằm điều chỉnh loại hình kinh doanh vận tải này.

Ngoài ra, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ôtô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em và liên quan đến học sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Đồng tình với các đại biểu đã phát biểu về một số nội dung được quy định đồng thời trong 2 dự thảo Luật như việc vận chuyển hành khách bằng xe ô tô, vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị, việc tổ chức thực hiện phải áp dụng trong cả 2 Luật dẫn đến khó theo dõi và khó thực hiện. Do vậy, đề nghị 2 dự án Luật cần tiếp tục rà soát để xử lý các vướng mắc nêu trên, đảm bảo thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật cho người dân và doanh nghiệp./.

Bích Ngọc