NGHIÊN CỨU CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI MỚI ĐỂ TIẾP TỤC THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết. Đối với các tập đoàn trong nước, Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết và dự kiến số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung.
Thảo luận về nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp thứ 6, để bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự tiến bộ, minh bạch trong hệ thống quản lý thuế; khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới…
Một số ý kiến lo ngại, việc ban hành Nghị quyết này dự kiến sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, việc nghiên cứu ban hành một chính sách ưu đãi hỗ trợ đối các các tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng của nghị quyết.
Nếu không ban hành Nghị quyết, Việt Nam vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Do vậy, đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết, các nhà đầu tư sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn, bởi những cam kết về ưu đãi đầu tư đã được thực hiện trước đó sẽ không thay đổi, Việt Nam cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Tại tỉnh Bắc Giang, trong thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh và hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành, Bắc Giang tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng xác định sự phát triển của doanh nghiệp đồng nghĩa với sự phát triển của địa phương. Do vậy, với những khó khăn của doanh nghiệp, tỉnh Bắc Giang kịp thời tháo gỡ, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Điều này đã được các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đánh giá cao tại các diễn đàn đa phương và diễn đàn của doanh nghiệp quốc tế, tạo niềm tin sâu sắc cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Tính hết quý III/2023, Bắc Giang là địa phương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI
Trước những biến động khó lường của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn dành cho Bắc Giang sự tin tưởng tuyệt đối, coi Bắc Giang là điểm đến an toàn và hấp dẫn trong tương lai.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết, tính hết quý III/2023, Bắc Giang là địa phương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu không phải là chính sách mới, các nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp cận được chính sách này, nhưng các tập đoàn đa quốc gia vẫn tìm đến Bắc Giang đầu tư. Qua tìm hiểu cho thấy, các doanh nghiệp không quá băn khoăn, bởi đây là yêu cầu chung mà OECD.
“Vấn đề doanh nghiệp quan tâm hiện nay là sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể”, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết.