Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc;…
Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 02 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70, cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau: Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo PGS. TS Trần Thị Thúy Lâm, Trưởng Bộ môn Lao động và an sinh xã hội – Đại học Luật Hà Nội, sau 05 năm thực hiện Luật BHXH, tổng số người hưởng BHXH một lần là khoảng 3,7 triệu người; về cơ bản, số người hưởng BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước (mức tăng bình quân 6,5%/năm).
Việc hưởng BHXH một lần đã khiến nhiều lao động bị “lọt” ra khỏi hệ thống BHXH. Chế độ trợ cấp “hưu trí xã hội” cũng chỉ áp dụng đối với người lao động ở độ tuổi khá cao (80 tuổi và dự kiến giảm xuống là 75 tuổi). Bởi vậy, tính từ thời điểm người lao động nghỉ việc, hết tuổi lao động đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp “hưu trí xã hội” là khoảng thời gian khá dài. người lao động sẽ không khỏi gặp các khó khăn, không có nguồn thu nhập để sống. Trong giai đoạn này, vẫn cần phải cho phép người lao động hưởng BHXH một lần nhưng cần có quy định chặt chẽ về điều kiện hưởng hoặc giảm mức hưởng để hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần, hướng tới tham gia BHXH lâu dài để hưởng chế độ hưu trí.
Bày tỏ đồng tình với Phương án 2, PGS. TS Trần Thị Thúy Lâm lý giải, đây là phương án phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay. Việc cho phép người lao động chỉ được thanh toán tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ buộc người lao động phải cân nhắc khi rút BHXH một lần. Việc này sẽ giảm thiểu được số người lao động bị lọt ra khỏi hệ thống, mở rộng được độ bao phủ, đảm bảo được quyền lợi cho người lao động khi hết tuổi lao động. Đồng thời mức rút này cũng không quá thấp nên người lao động sẽ có một khoản tiền có thể giúp họ trang trải được khó khăn trước mắt.
“Cũng có thể cân nhắc thêm về lộ trình tăng thời gian không tham gia BHXH bắt buộc để hạn chế người lao động rút BHXH một lần (lúc đầu là 12 tháng không tham gia BHXH, sau đó có thể tăng dần thời gian này) để giãn cách việc người lao động rút BHXH một lần”, PGS. TS Trần Thị Thúy Lâm nêu đề xuất
PGS. TS Trần Thị Thúy Lâm, Trưởng Bộ môn Lao động và an sinh xã hội – Đại học Luật Hà Nội
Cho rằng đây là vấn đề lớn, phức tạp, TS. Hồ Thủy, nguyên Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng lưu ý, tình trạng người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần tăng dần qua các năm, với rất nhiều nguyên nhân; nhưng nguyên nhân quan trọng là việc trao đổi, giải thích, hướng dẫn về chính sách BHXH đến người lao động ở các khu công nghiệp chưa trực tiếp, chưa có tính thuyết phục…
Theo TS. Hồ Thủy nên sử dụng nội dung phương án 2 của điểm đ, khoản 1. Trong dự thảo luật này, đã giảm thời gian tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, nên trong Điều 70 của Dự thảo Luật chỉ nên đưa mốc thời gian tham gia BHXH tối đa để giải quyết trợ cấp BHXH một lần là “ chưa đủ 15 năm”. Đồng thời, cần có quy định lộ trình giảm dần mức nhận trợ cấp và tiến tới chấm dứt tình trạng nhận BHXH một lần ngay trong Luật này. Đây là một cách để xây dựng dần tâm lý và nhận thức cho người lao động về việc cần tham gia BHXH lâu dài đến khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Có như vậy mới đạt được mục tiêu của BHXH và an sinh xã hội bền vững.
TS. Hồ Thủy, nguyên Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng
Nhấn mạnh việc rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng những năm gần đây vừa gây khó khăn trong việc mở rộng diện bao phủ vừa đặt ra vấn đề bảo đảm an sinh cho các đối tượng này trong thời gian tới, TS. Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho rằng, đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ trên khía cạnh pháp luật, mục tiêu của chính sách và kinh nghiệm quốc tế để có quy định phù hợp hạn chế tình trạng này theo đúng tinh thần Nghị quyết của TW.
Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của hai phương án theo đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ, TS. Phạm Minh Huân kiến nghị, phương án tích cực hơn là kết hợp 2 phương án của Chính phủ thành 1, cụ thể: Đối với người tham gia sau khi Luật BHXH này có hiệu lực thì không được rút BHXH một lần khi trong độ tuổi lao động. Đối với người tham tham gia trước khi Luật này có hiệu lực, thì khi Luật này có hiệu lực thì vẫn được rút BHXH một lần nhưng chỉ được rút 50% số tiền đã tham gia. Phương án này sẽ giúp hạn chế nhanh hơn số người rút BHXH một lần./.