THẢO LUẬN TỔ 7: ĐỀ NGHỊ GIỮ NGUYÊN MÔ HÌNH TOÀ ÁN BỐN CẤP NHƯ HIỆN NAY

10/11/2023

Tại phiên thảo luận tổ 7, chiều ngày 09/11, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần rà soát lại một số quy định chưa phù hợp với điều kiện hiện nay.

 

Toàn cảnh phiên họp Tổ

Quan tâm đến quy định không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng tại khoản 3, Điều 11. Đại biểu Lý Văn Huấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật với lý do việc tiến hành hoạt động điều tra, thanh tra không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND.

Mặt khác, khi tiến hành điều tra và thanh tra đều phải tôn trọng nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; không can thiệp vào việc xét xử của Tòa án. Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định khi có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố vụ án (khi đã khởi tố vụ án thì phải điều tra để làm rõ người phạm tội). Luật Thanh tra cũng quy định khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải ra quyết định thanh tra, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ quy định tại điều 15 dự thảo Luật. Đại biểu Lý Văn Huấn cũng không đồng tình với dự thảo Luật vì theo quy định hiện nay Tòa án chỉ tiến hành TTCC trong trường hợp nhất định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Đối với vụ án hình sự nếu tại phiên tòa phát sinh vấn đề cần xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thì Tòa án tạm ngừng phiên tòa để thực hiện; vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì Tòa án chỉ TTCC nếu đương sự không thu thập được và có yêu cầu. Việc TTCC ở nước ngoài thì Tòa án thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu thập. Nếu quy định lại thì việc xét xử các vụ án sẽ bị kéo dài vì phải huỷ đi huỷ lại.

Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An 

Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH Long An nhận thấy mô hình Tòa án 04 cấp hiện nay TAND Tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh, TAND huyện như Luật tổ chức Tòa án hiện hành phát huy hiệu quả rất tốt. Vừa đảm bảo tính độc lập trong xét xử đồng thời chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm và tương ứng với mô hình của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu theo quy định dự thảo luật tất cả án sơ thẩm phát sinh sẽ do Tòa án sơ thẩm giải quyết nguồn nhân lực sẽ tập trung về cấp sơ thẩm. Tòa án sẽ phải xây dựng thêm hoặc xây dựng mới hơn gần 800 trụ sở Tòa án sơ thẩm mới gây lãng phí. Đại biểu đề nghị cân nhắc giữ nguyên mô hình toà án bốn cấp như hiện nay.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum thống nhất cao về việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa. Theo đại biểu việc khởi tố, điều tra, truy tố là trách nhiệm của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tòa án là cơ quan xét xử; nếu Tòa án khởi tố vụ án, sau đó lại xét xử vụ án đó thì có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư trong quá trình xét xử.

Còn đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An quan tâm đến quy định về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt tại điểm đ khoản 1 Điều 4; Điều 62 và Điều 63. Đại biểu cơ bản tán thành quy định trong tổ chức TAND có TAND sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại việc có tính chất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn hóa cao, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của Tòa án, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhiều vụ án liên quan đến sở hữu trí tuệ, đất đai, không gian mạng…chưa có tiền lệ, rất phức tạp và bị kéo dài nên khi thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ tạo tiền đề tốt để đẩy nhanh việc xét xử chính xác.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu thảo luận liên quan đến ngạch, bậc thẩm phán Toà án nhân dân quy định tại điều 91. Việc quy định ngạch, bậc như dự thảo Luật phù hợp với tính chất đặc thù công tác Tòa án. Tuy nhiên, chưa tương thích với quy định tại Luật Cán bộ, công chức về ngạch, bậc; chưa đồng bộ với các chức danh tư pháp của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại, xây dựng được phương án toàn diện chuyển từ ngạch Thẩm phán sang bậc Thẩm phán để thực hiện thuận lợi việc sắp xếp Thẩm phán theo bậc để tham gia xét xử tại từng cấp Tòa án.

Liên quan đến quy định đào tạo, tạo nguồn nhân lực cho toà án, một số đại biểu cho biết: báo cáo của Toà án Nhân dân tối cao cho thấy, hiện tổng biên chế của ngành toà án là 15.500 người. Trong khi đó, số cán bộ nghỉ việc hàng năm chiếm khoảng 4,5%. Mỗi năm Học viên toà án chỉ được tuyển 300 người. Từ thực tế trên, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định việc đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn nhân lực cho ngành toà án không chỉ được thực hiện bởi Toà án Nhân dân tối cao mà còn đào tạo tại các cơ sở khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Cao Lệ Quyên

Các bài viết khác