NĂNG LỰC SẢN XUẤT LÀ YẾU TỐ CHÌA KHÓA PHÂN ĐỊNH TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

07/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng cho rằng, quá trình phát triển kinh tế là sự tiến lên trong các “nấc thang” của các sản phẩm theo mức độ phức tạp của chúng, đòi hỏi cần có các yếu tố đầu vào sản xuất có trình độ cao hơn. Sự khác biệt về năng lực sản xuất có thể giải thích phần lớn sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để một quốc gia tăng trưởng kinh tế bền vững. Phân tích sự thành công trong phát triển kinh tế của các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Israel cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kết hợp hiệu quả giữa vai trò của Nhà nước và thị trường, lựa chọn và triển khai các chính sách công nghiệp phù hợp với xu thế toàn cầu, khuyến khích đổi mới sáng tạo và tận dụng được tri thức và các nguồn lực từ bên ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, các cú sốc tác động tới các hộ gia đình, doanh nghiệp, ngành nghề, quốc gia, khu vực và toàn cầu xuất hiện với tần suất nhiều hơn, khó dự báo hơn và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự phân tách về chính trị, công nghệ, kinh tế trong thời gian gần đây và tiến xa hơn có thể là văn hóa, xã hội sẽ tiếp tục làm xói mòn các nền tảng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế thế giới trong vòng ba thập niên vừa qua.

Trước tình hình này, việc nghiên cứu các nhân tố tác động tới biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất các chính sách ứng phó, giúp nền kinh tế phục hồi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều nghiên cứu về biến động kinh tế vĩ mô đã chỉ ra các cú sốc như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả biến động, thiếu hụt năng lượng, gia tăng biến động chính trị, bất ổn thị trường tài chính và mở cửa thương mại… là các nguyên nhân chủ chốt dẫn tới biến động kinh tế vĩ mô (di Giovanni và Levchenko, 2009; Easterly và cộng sự, 2000; Klomp và de Haan, 2009). Bên cạnh đó, chất lượng thể chế, đa dạng hóa xuất khẩu và dòng kiều hối là các nhân tố có thể giảm thiểu hoặc khuếch đại ảnh hưởng của các cú sốc tới nền kinh tế.

PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng

Một số nghiên cứu đã chỉ ra các quốc gia kém phát triển với danh mục hàng hóa đơn giản và cơ cấu xuất khẩu thiếu đa dạng đã phải đối mặt nhiều hơn với bất ổn kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận thấy các nước nghèo thường tập trung vào sản xuất các hàng hóa có giá cả biến động cao và phải thường xuyên đối mặt với biến động kinh tế vĩ mô do sự thiếu ổn định từ các nguồn thu xuất khẩu.

Về năng lực sản xuất quốc gia, PGS.TS Chu Khánh Lân cho biết, một trường phái kinh tế gần đây thu hút được sự quan tâm của các nhà điều hành chính sách và nghiên cứu kinh tế là năng lực sản xuất (productive capabilities) hay mức độ phức tạp kinh tế (economic complexity). Mức độ phức tạp kinh tế là một khái niệm phản ánh năng lực của một quốc gia sản xuất ra nhiều loại hàng hóa có mức độ phức tạp cao. Khái niệm mức độ phức tạp kinh tế đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng và môi trường.

Trong nghiên cứu của mình, Hausmann và Hidalgo (2009) giả định mức độ phức tạp kinh tế được phản ánh thông qua mức độ đa dạng của năng lực sản xuất và sự kết nối các năng lực sản xuất trong một mạng lưới sản xuất quốc gia. Diễn đạt theo một cách khác, một nền kinh tế được cho là phức tạp (có mức độ phức tạp kinh tế cao) không chỉ sở hữu nhiều tri thức sản xuất hiện đại thông qua mạng lưới rộng lớn người lao động, doanh nghiệp, ngành nghề mà còn có thể vận dụng hiệu quả các tri thức này vào để sản xuất các sản phẩm có mức độ phức tạp cao. Kế đó, Hausmann và cộng sự (2014) sử dụng hai khái niệm mức độ đa dạng (diversity) và phổ biến (ubiquity) của hàng hóa do một quốc gia sản xuất (và xuất khẩu) để đo lường mức độ phức tạp kinh tế. Mức độ đa dạng đo lường số lượng hàng hóa một quốc gia có thể sản xuất một cách hiệu quả còn mức độ phổ biến đo lường số lượng quốc gia có thể sản xuất hàng hóa đó một cách hiệu quả.

Những lập luận trên của Hausmann và cộng sự (2014) có nguồn gốc từ ý tưởng của Adam Smith về sự thịnh vượng của quốc gia phụ thuộc vào chuyên môn hóa lao động. Khi người lao động và doanh nghiệp sản xuất và trao đổi các loại hàng hóa khác nhau dựa vào năng lực sản xuất của riêng họ, hiệu quả kinh tế sẽ gia tăng. Tuy nhiên, nếu như các quốc gia có thể trao đổi hàng hóa trên một thị trường toàn cầu nhờ vào quá trình toàn cầu hóa, thì vấn đề cốt lõi là: đâu là nguyên nhân của sự khác biệt về thu nhập (xa hơn sự thịnh vượng) của các quốc gia trong nhiều thập kỷ vừa qua?

Năng lực sản xuất là yếu tố giải thích phần lớn sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế

Câu trả lời có thể là do có một vài hoạt động hay nhân tố sản xuất không thể (hoặc không dễ dàng) trao đổi như cơ sở hạ tầng, thể chế, quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng lao động… trong khi chúng là điều kiện căn bản để các quốc gia sở hữu chúng có thể sản xuất được một số loại hàng hóa. Một điểm nữa cần lưu ý là trong khi các quốc gia giàu có sản xuất được nhiều sản phẩm hơn (tính trên mỗi đơn vị lao động) so với quốc gia nghèo, các quốc gia giàu có cũng sản xuất các sản phẩm có mức độ phức tạp hơn nhiều (khó sản xuất hơn).

Theo đó, tăng trưởng kinh tế không thể được giải thích đơn thuần là kết quả của việc tích lũy liên tục các yếu tố đầu vào cho sản xuất như vốn và lao động (và tất nhiên là quy mô sản lượng được tính toán một cách đơn thuần mà không phân tích các cấu phần và mối quan hệ giữa các cấu phần tạo nên nó). Quá trình phát triển kinh tế là sự tiến lên trong các “nấc thang” của các sản phẩm theo mức độ phức tạp của chúng, đòi hỏi cần có các yếu tố đầu vào sản xuất có trình độ cao hơn. 

Sản xuất các hàng hóa khác nhau đòi hỏi các loại tri thức khác nhau với trình độ khác nhau. Tri thức tồn tại dưới ba dạng là tri thức nằm trong các công cụ lao động, tri thức ẩn chứa trong các công thức sản xuất và tri thức nằm trong các bí quyết và kỹ năng của người lao động. Nếu như hai loại tri thức ban đầu có thể trao đổi tương đối dễ dàng giữa người lao động, doanh nghiệp và quốc gia thì loại tri thức thứ ba rất khó trao đổi, và buộc phải diễn ra trong một quá trình chuyển giao, học hỏi lẫn thử nghiệm lâu dài và tốn kém. Hàng hóa càng hiện đại thì càng ẩn chứa nhiều tri thức loại thứ ba, đòi hỏi sự kết hợp hoàn hảo giữa những người lao động nắm giữ loại tri thức này. 

Từ đó, có thể nhận thấy năng lực sản xuất của một quốc gia được thể hiện thông qua mức độ đa dạng của những năng lực sản xuất không thể trao đổi giữa các quốc gia. Sự khác biệt về năng lực sản xuất có thể giải thích phần lớn sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế.

Minh Hùng