BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN NƯỚC, NHẤT LÀ NƯỚC NGỌT PHỤC VỤ CHO SINH HOẠT VÀ SẢN XUẤT CỦA NGƯỜI DÂN

27/10/2023

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là người dân ở các đảo, quần đảo...

ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: NÊN TÍNH GIÁ NƯỚC THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG NHƯNG CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRỰC TIẾP CHO NGƯỜI NGHÈO

DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CƠ SỞ DỮ LIỆU TÀI NGUYÊN NƯỚC

Quốc hội thảo luận về dự thảo  Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 86 điều được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp kỳ họp thứ 6 này. Đây là dự án luật quan trọng nhằm thể chế và cụ thể hóa đầy dù quan điểm, chính sách của Đảng trong toàn bộ dự thảo Luật, quan trọng nhất là Kết luận 36 của Trung ương về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa và bám sát vào 4 chính sách lớn đã được Chính phủ trình theo tờ trình số 162 và được Quốc hội thống nhất bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước và bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Một trong những nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm của các ĐBQH đóng góp vào dự thảo Luật là vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và các giải pháp để người dân có đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt và sản xuất.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm: Việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước trên cùng một lưu vực sông, giữa thượng lưu với hạ lưu. Đồng thời, quy định trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, căn cứ nguyên tắc thứ tự ưu tiên được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh để hạn chế phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nguồn nước chưa cấp thiết và ưu tiên cho mục đích sinh hoạtm các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã quy định rõ hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua việc điều tiết chế độ vận hành các đập, hồ chứa, công trình khai thác tài nguyên nước và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước trên các lưu vực sông, tầng chứa nước nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại và hướng tới việc điều hòa, phân phối, điều tiết nguồn nước bằng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng thấy rằng, dự thảo đã quy định để định hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước phải được thực hiện bằng công cụ mô hình số hóa thông tin, dữ liệu để hỗ trợ việc ra các quyết định về việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước là hết sức đúng đắn, bắt kịp với xu thế chung của thế giới và phù hợp với mục tiêu quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần khẩn trương đầu tư đủ nguồn lực để xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản cho công tác quản lý tài nguyên nước nói chung cũng như là nền tảng để phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ cho việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

Để thúc đẩy việc đầu tư ngoài nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo luật đã quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hệ thống và cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định. Việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét các quy định về cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút được nguồn lực đầu tư từ tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đề cập về khai thác, bảo vệ tài nguyên nước, đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các quy định thể chế hóa 4 nhóm chính sách lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước, kinh tế tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác. Đồng thời, để cơ bản giải quyết được vấn đề về phân công quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước và đối tượng quản lý công trình khai thác, sử dụng nước của thủy lợi, thủy điện có sự liên thông, thống nhất giữa pháp luật về quản lý tài nguyên nước với pháp luật về thủy lợi, cấp nước, môi trường và pháp luật về địa chất, khoáng sản.

Tuy nhiên, để tránh chồng chéo hoặc khó áp dụng trong thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần quan tâm làm rõ thêm các nội dung liên quan đến khai thác, bảo vệ tài nguyên nước. Theo đó, đối với quy định tại khoản 5 Điều 22 về việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch tổng thể lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch cấp tỉnh và nguồn nước nội tỉnh. Đề nghị bổ sung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra. Trong quy hoạch cấp tỉnh, cùng với việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Liên quan đến việc phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra được quy định tại Điều 6, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị, bổ sung việc nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để tạo lập tiềm năng nguồn nước cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là người dân ở các đảo, quần đảo của chúng ta vào điểm d Khoản 1 Điều 6 của dự thảo luật. Như vậy, tại điểm d khoản 1 Điều 6 viết thành: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý nước thải, công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt, cải tạo phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm”.

Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo, tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật cũng như tham gia nhiều ý kiến cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Bích Lan

Các bài viết khác