TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẾN TRE NGUYỄN TRÚC SƠN: ĐÁNH GIÁ CAO VIỆC THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

27/10/2023

Thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng việc xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết này thể hiện sự năng động, sáng tạo của Chính phủ trong việc tích cực tìm kiếm cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình giao thông đường bộ lớn đang được triển khai.

THẢO LUẬN TỔ 8: NHẤT TRÍ KÉO DÀI THỜI GIAN THU HỒI ĐẤT DỰ ÁN SÂN BAY LONG THÀNH ĐẾN NĂM 2024

THẢO LUẬN TỔ 13: ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG KHI TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại tổ.

Chiều ngày 27/10/2023, tiếp tục Chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về 02 nội dung quan trọng gồm: (1) Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (2) Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tham gia thảo luận tại Tổ, liên quan đến việc điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương của Quốc hội và Tờ trình của Chính phủ trong việc tìm giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, quá trình triển khai thực hiện có sự nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh Đồng Nai, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cũng đã tạo điều kiện rất nhiều cho dự án này triển khai.

Theo đại biểu, từ khi triển khai vào năm 2017 đến nay, dự án đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên tại Kỳ họp này Chính phủ trình Quốc hội cho điều chỉnh hai vấn đề, một là kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 và hai là kéo dài thời gian giải ngân vốn. Đại biểu thống nhất cao việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2024 để tạo điều kiện cho dự án tiếp tục được triển khai và hoàn thành.

Tuy nhiên, đối với đề nghị của Chính phủ xin kéo dài thời gian giải ngân vốn số tiền 1.543,623 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã giao kế hoạch năm 2021 và kéo dài giải ngân đến hết năm 2022 nhưng chưa giải ngân hết cần được tiếp tục kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện và giải ngân sang năm 2024, đại biểu đề nghị trước hết phải kết thúc phần vốn phân bổ cho năm 2021 chưa giải ngân xong, hủy dự toán đó, sau đó bố trí lại vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện dự án, như vậy mới đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu cho rằng việc xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết này thể hiện sự năng động, sáng tạo của Chính phủ trong việc tích cực tìm kiếm cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình giao thông đường bộ lớn đang được triển khai, nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về phần góp vốn ngân sách nhà nước trong các dự án PPP có thể tăng tỉ lệ lên tối đa 70% là rất phù hợp với thực tiễn, nhất là các vùng còn khó khăn, đô thị lớn, chi phí giải phóng mặt bằng, nền hạ đường chiếm tổng mức đầu tư lớn.

Về dự án đầu tư giao thông đường bộ đi qua địa bàn của hai địa phương trở lên, đại biểu thống nhất cao về việc giao cho một địa phương làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tùy theo năng lực, quy mô dự án và sự thỏa thuận của các địa phương; các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Đại biểu đề nghị đối với Dự án tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ đã cho chủ trương, hiện còn một số dự án cầu liên vùng trên tuyến đáp ứng tiêu chí quy định trong dự thảo Nghị quyết nhưng chưa được bổ sung vào Danh mục các dự án kèm theo Nghị quyết như dự án cầu Cửa Đại nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, cầu Cổ Chiên 2 nối tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Các dự án này đã được Chính phủ cho ý kiến nên đề nghị Chính phủ bổ sung vào Danh mục vì đã rõ thời gian, địa điểm, có chủ trương.

Về giao mỏ khoáng sản phục vụ công trình trọng điểm quốc gia, dự án liên vùng, Chính phủ nên lưu ý thực tiễn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thủy, có tận thu lượng cát khá lớn có thể phục vụ cho các công trình dự án quan trọng trên địa bàn, hay nhiều tỉnh có dự án trọng điểm nhưng không có mỏ cát có thể chọn địa phương có mỏ cát để phục vụ công trình cần lượng cát, đất lớn.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cũng đề nghị các địa phương có dự án đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 3 của dự thảo Nghị quyết mà chưa được đưa vào Danh mục dự án kèm theo thì cũng nên cho đề xuất để đảm bảo triển khai trong thời gian tới không còn vướng mắc và Quốc hội nên giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định khi thông qua Nghị quyết này để tránh phải trình đi trình lại nhiều lần.

Về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, đại biểu đề nghị thời gian thực hiện cho 5 nhóm chính sách (kể cả nguồn tăng thu) nên được thực hiện đồng nhất trong Nghị quyết cho giai đoạn 2023-2025, phù hợp với kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia./.

Trọng Quỳnh