YÊN BÁI: NHỮNG Ý KIẾN TÂM HUYẾT THAM GIA CÁC DỰ THẢO LUẬT

20/10/2023

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Các ý kiến đã thể hiện sự tâm huyết, nghiên cứu sâu, lập luận chặt chẽ từ góc độ chuyên môn liên quan.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH YÊN BÁI LẤY Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Ông Lê Công Tiến – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đề nghị Ban soạn thảo và Quốc hội xem xét sửa đổi tại Khoản 2 Điều 91 quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định sau khi có thông báo thu hồi đất. Trường hợp người có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký sau khi có thông báo thu hồi đất. 

Ông Tiến cho biết: Lý do, nếu theo quy định tại dự thảo giá đất bồi thường được xác định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì không thể thực hiện được do việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 87. Do vậy, giá đất bồi thường phải có trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất. Từ những nội dung trên và thực tế triển khai ,ông Tiến đề nghị sửa như đề xuất. Đề xuất cũng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 106 của dự thảo Luật này.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 91 quy định: "Đối với người có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở”. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần xem xét quy định về giá trị chênh lệch (nếu có) giữa các loại đất thu hồi làm cơ sở thực hiện.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, bố trí tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất, ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định việc hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện hiến đất ở, đất nông nghiệp khác cho Nhà nước làm các dự án, công trình phúc lợi công cộng như đường giao thông, nhà văn hoá, trường học…

Ban soạn thảo xem xét quy định điều kiện được hưởng tái định cư theo Điều 83 của Luật Đất đai 2013 yêu cầu phải di chuyển chỗ ở khi áp dụng sẽ có nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở chưa kịp làm nhà mà trên địa bàn không có nhà ở, đất ở nào khác sẽ rất thiệt thòi.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét dự thảo nghị định để thực hiện Luật ngay sau khi có hiệu lực để không ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các công trình dự án và cần tham chiếu các luật khác có liên quan để áp dụng đồng nhất tránh chồng chéo.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận ghi nhận, tiếp thu những ý kiến tham gia của các đại biểu để tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản, ông Lê Xuân Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết và các nội dung cần phải sửa đổi Luật Đấu giá tài sản lần này. 

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các nội dung của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung lần này, qua thực tiễn và qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành liên quan đến đấu giá tài sản, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị cần sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến đào tạo nghề đấu giá. "Theo dự thảo sửa đổi thì người đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 10 Luật này được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá. Như vậy theo Luật năm 2016 thì không cần phải có thời gian làm việc 3 năm, việc sửa đổi như vậy tôi hoàn toàn nhất trí nhằm đào tạo được đấu giá viên ngay từ khi tốt nghiệp đại học ra trường có thể tham gia khóa đào tạo nghề được". 

"Tuy nhiên, thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 6 tháng, theo tôi, là ngắn quá. Đào tạo thành một nghề ít nhất 12 tháng mới cập nhật được hết kiến thức, kỹ năng, phương pháp và sau khi tốt nghiệp ra tập sự thêm 6 tháng nữa thời mới có thể thành một đấu giá viên chuyên nghiệp được” – ông Hùng nói.

Liên quan đến Luật Đấu giá tài sản, ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Yên Bái cũng tham gia một số ý kiến sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật. Ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, loại trừ các tài sản công là tiền thuộc ngân sách Nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối Nhà nước không thuộc danh mục đấu giá tài sản. 

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 42 như sau: Người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu trả giá, ghi giá muốn trả vào phiếu của mình. Hết thời gian ghi phiếu, đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá nộp phiếu trả giá hoặc bỏ phiếu vào hòm phiếu; kiểm đếm số phiếu phát ra và số phiếu thu về; công bố số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ; công bố phiếu trả giá cao nhất với sự giám sát của ít nhất 1 người tham gia đấu giá. 

Theo quy định này, trường hợp có 1 người giám sát mà người giám sát là người trả giá cao nhất, trúng đấu giá thì việc giám sát thiếu khách quan. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa số người giám sát lên ít nhất là 2 người để đảm bảo tính khách quan.

Cùng với đó, các chuyên gia, các đại biểu ở các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương cũng đã tham gia nhiều ý kiến đối với Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), tập trung vào các nhóm vấn đề như: những quy định chung được quy định tại chương I, trong đó có nội dung mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; về trợ cấp hưu trí xã hội; về đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; về BHXH bắt buộc; về BHXH tự nguyện được quy định tại Chương VI, trong đó bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, về Quỹ BHXH...

Đóng góp ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh của 2 dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, đa số ý kiến đồng tình, thống nhất với nội dung và sự cần thiết ban hành các dự án luật. Các đại biểu có ý kiến đề nghị sửa đổi một số nội dung về phạm vi điều chỉnh của luật; về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Quốc Luận ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan liên quan đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và chất lượng, xuất phát từ thực tế khi triển khai thực hiện và đề xuất những khó khăn, bất cập, những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện uật, góp phần quan trọng để hoàn thiện dự án luật với chất lượng tốt nhất. Các ý kiến tham gia đóng góp vào các dự thảo luật sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 sắp tới.

(Theo Báo điện tử Yên Bái)