CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG Ý THỨC PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

23/09/2023

Quan tâm đến vấn đề bảo đảm bình đẳng giới, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Do đó, cần thiết phải xây dựng ý thức pháp luật về bình đẳng giới, từ đó giúp việc thực hiện bình đẳng giới đạt hiệu quả.

Theo PGS. TS.Trần Thăng Long, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm bình đẳng giới là một trong những mục tiêu cơ bản của bảo đảm công bằng xã hội. Bình đẳng giới là vấn đề quan tâm của mọi quốc gia và là một trong tám mục tiêu Thiên niên kỷ của toàn cầu, là chủ đề quan tâm trong các chương trình, dự án phát triển hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia. Bình đẳng giới bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân của nam và nữ, không phân biệt đối xử trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nam và nữ.

Tại Việt Nam, sau khi Luật Bình đẳng giới năm 2006 được thông qua đào tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện bình đẳng giới. Các quy định về bình đẳng giới được triển khai và thực hiện khá nghiêm túc, đạt được những kết quả khả quan. Nhờ đó, việc thực hiện bình đẳng giới có nhiều phát triển quan trọng. Mặc dù vậy, bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ vẫn còn phổ biến. Định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội, cơ hội học tập, phát triển của phụ nữ còn nhiều hạn chế so với nam giới. Do đó, để bình đẳng giới thật sự đi vào đời sống, trở thành nếp suy nghĩ hằng ngày cần thiết phải xây dựng ý thức pháp luật về bình đẳng giới, từ đó giúp việc thực hiện bình đẳng giới đạt hiệu quả.

Nhiều hội thảo, tọa đàm về vấn đề bình đẳng giới đã được tổ chức

Đề xuất giải pháp nâng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới, PGS. TS.Trần Thăng Long và các chuyên gia chỉ rõ:

 Một là, nâng cao ý thức pháp luật bình đẳng giới trên cơ sở thay đổi nhận thức truyền thông về bình đẳng giới. Vấn đề trọng tâm và mục tiêu hàng đầu là cần thay đổi quan niệm truyền thống về bình đẳng giới. Việc tạo ra và nâng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện theo các giai đoạn, bắt đầu từ việc hiểu được bản chất bình đẳng giới sẽ dần đến tạo điều kiện để nhạy cảm giới (nhận thức giới), kết quả là nhận thức được vấn đề giới trong công việc, cách xử sự, hành động. Tiếp theo, từ nhạy cảm giới tiến đến mức độ cao hơn là trách nhiệm giới. Cuối cùng, từ nhận thức giới được thay đổi thông qua hình tượng giới, hành vi giới sẽ thay đổi dần theo hướng tiến bộ bình đẳng nam nữ.

Hai là, tổ chức thực hiện pháp luật bình đẳng giới thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao ý thức pháp luật. Đây là nhiệm vụ cần được tổ chức thực hiện đồng bộ. Ở cấp quốc gia, Chính phủ cần thiết phải xây dựng các kế hoạch, chương trình tổng thể có mục tiêu, lộ trình rõ ràng nhằm nâng cao ý thức pháp luật của toàn dân về bình đẳng giới. Đồng thời, cần xây dựng và thực hiện một chiến lược truyền thông quốc gia hướng đến tác động và làm thay đổi các chuẩn mực xã hội mang tính định kiến về giới thông qua việc chứng minh bằng các dữ liệu về tác động tiêu cực của các chuẩn mực đó đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở địa phương, cần xây dựng các kế hoạch thực hiện cụ thể. Trách nhiệm nâng cao ý thức pháp luật bình đẳng giới không tập trung ở bất kì cơ quan nào mà cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị.

Ba là, phổ cập kiến thức pháp luật và chú trọng nâng cao ý thức pháp luật thực hiện nghiêm túc bình đẳng giới. Trong đó, công tác phổ cập kiến thức pháp luật và năng cao ý thức pháp luật về bình đẳng giới phải được thực hiện hiệu quả từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thực hiện công tác bình đẳng giới. Do đó, các cơ quan, đoàn thể cần có kế hoạch, biện pháp tăng cường tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho cộng đồng.

Cần tăng cường đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban ngành, đoàn thể, những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện quyền bình đẳng giới. Nắm vững kiến thức pháp luật sẽ giúp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện tốt và bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Các tổ chức, xã hội dân sự và giới truyền thông giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả các chính sách và quy định về bình đẳng giới. Nhà nước cần coi việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới là yếu tố quan trọng để xây dựng ý thức pháp luật. Tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra và truy cứu trách nhiệm kịp thời, nghiêm minh đối với các vi phạm liên quan đến bình đẳng giới.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thực hiện lồng ghép giới. Các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức cần quán triệt quan điểm giới trong công việc và tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo các chính sách không làm trầm trọng thêm sự cách biệt giới và đề ra được các biện pháp thúc đẩy giới, cần có khung chính sách cụ thể trong phương pháp lồng ghép giới thể hiện rõ cam kết của Nhà nước đối với mục tiêu bình đẳng giới, đưa ra các cơ chế rõ ràng để đạt được mục tiêu, phân bổ nguồn lực để triển khai hoạt động, đưa ra các khung trách nhiệm, giám sát và đánh giá một cách hiệu quả. Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật phù hợp mục tiêu bình đẳng giới. Hệ thống luật pháp về bình đẳng giới sẽ xác định khả năng tiếp cận cơ hội của nữ giới trên mọi lĩnh vực, tạo lập “sân chơi” thể chế bình đẳng cho nữ giới và nam giới.

Vì vậy, thời gian tới, cần đẩy mạnh củng cố và hoàn thiện khung pháp lý về bình đẳng giới, thông qua việc sửa đôi Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân, Gia đình và Luật Bảo hiểm xã hội... trong đó, cần chú trọng lồng ghép bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật. Tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Bình đẳng giới năm 2006, trên cơ sở đánh giá kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đề xuất nhưng nội dung cần được bổ sung và hoàn thiện.

Hồ Hương