CƠ CẤU ĐÀO TẠO NGHỀ CHƯA CÂN ĐỐI, CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI

23/09/2023

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực vực lao động, người có công và xã hội. Theo đó, Ủy ban Xã hội đánh giá, cơ cấu đào tạo nghề hiện nay còn chưa cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.

Cơ cấu đào tạo nghề chưa cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực vực lao động, người có công và xã hội.

Theo đó, về thị trường lao động và cung cầu lao động, Ủy ban Xã hội đánh giá, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đạt được một số kết quả như: 01 Nghị quyết của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành nhằm phát triển đồng bộ và hiện đại các yếu tố của thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại; kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Cơ bản các hoạt động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đã được triển khai, như: Hoạt động thu thập thông tin qua điều tra, khảo sát, báo cáo hành chính, tổng hợp của các tỉnh, thành phố; hoạt động dịch vụ việc làm; hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động để cung cấp thông tin định hướng cho các chủ thể tham gia thị trường lao động và cho hoạt động đào tạo - giáo dục gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng, chính sách phát triển việc làm mới chủ yếu chú trọng tạo việc làm theo chiều rộng mà chưa chú trọng đến chất lượng; sự mất cân đối về cơ cấu đào tạo nghề, công tác đào tạo nghề hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, phân luồng đào tạo nghề và nâng cao chất nguồn nhân lực… chưa giải quyết được, đây thực sự là những thách thức lớn cần có chính sách điều chỉnh phù hợp. Việc tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN và việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức khi phải cạnh tranh với lao động nước ngoài.

Đánh giá báo cáo của Bộ, Ủy ban Xã hội cho rằng, phần nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế (phần 3, trang 28) còn rất sơ sài, mới nêu nguyên nhân khách quan, chưa thực sự nhìn nhận thẳng thắn vào các nguyên nhân chủ quan như: Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị nhưng công tác chỉ đạo, thực hiện trong thực tế chưa đạt như mong muốn. Thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, dự báo dịch chuyển lao động còn nhiều hạn chế.

Khó nắm bắt, quản lý lao động địa phương làm việc tại nước ngoài

Đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ủy ban Xã hội cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trên cơ sở đó Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với những thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khắc phục những bất cập, hạn chế phát sinh, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nhiều nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được triển khai kịp thời, đồng bộ. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh, hệ thống Cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được xây dựng, nâng cấp. Ý thức của người lao động, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước đến có nhiều chuyển biến, tình trạng người lao động vi phạm pháp luật sở tại, không về nước sau khi hết thời hạn hợp đồng đã được cải thiện thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Còn 01 điều, khoản, điểm được giao thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa được ban hành. Tỷ lệ lao động ở một số địa phương trốn ở lại bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là khá cao, dẫn đến tình trạng một số địa phương này có thời điểm bị ngưng tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng .

Thêm vào đó, Điều 15 của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ quy định chế độ báo cáo định kỳ của doanh nghiệp về Cục Quản lý lao động ngoài nước, không có quy định phải báo cáo về cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, huyện nơi doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Hằng năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng không có thông tin phản hồi cho các địa phương về số lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài thông qua các công ty hoạt động dịch vụ nên các địa phương gặp khó khăn trong nắm bắt và quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài của địa phương mình. Các cơ quan lao động ở địa phương không được chia sẻ cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra của ngành cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp không được cấp phép nhưng vẫn tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiềm ẩn nguy cơ quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Chính sách hỗ trợ người lao động sau khi về nước chưa được đề cập đến trong báo cáo, đặc biệt là trong công tác hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp cũng như hỗ trợ hòa nhập xã hội. Công tác quản lý lao động sau khi về nước chưa được phân cấp cho địa phương.

Hồ Hương