THIẾT KẾ CHÍNH SÁCH LINH HOẠT VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG THUỘC DIỆN MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

13/09/2023

Theo Chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Quan tâm tới nội dung dự luật, dưới góc độ nghiên cứu, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật đề xuất, nên xem xét thiết kế một chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc linh hoạt với các đối tượng thuộc diện mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo nguyên tắc "đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều”.

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 26 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 12/9

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống Bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH 1 lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; về căn cứ đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; về chi phí quản lý BHXH.

 PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật

Bám sát nguyên tắc “Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít...”

Ủng hộ đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, đây là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị trong lần sửa đổi này, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cũng nêu vấn đề: “Tại sao chúng ta không hạ thấp số năm đóng BHXH hơn nữa? có thể là 10 năm hoặc thấp hơn nữa theo nguyên tắc: Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít...”

Lý giải về đề xuất này, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho biết, cơ chế này không chỉ nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu, từ đó khuyến khích họ một điều là tham gia BHXH không bao giờ là muộn. Ngoài ra, cơ chế này còn hạn chế được tình trạng người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc.

Từ lập luận này, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ đề nghị Luật nên quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 10 năm và thiết kế các chế độ hưởng lương hưu phù hợp theo nguyên tắc Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng cũng đã cho định hướng này. Trường hợp chưa thể hạ xuống 10 năm ở thời điểm hiện nay thì Luật nên giao cho Chính phủ quy định vấn đề này khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.   

Sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội

Thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt

Liên quan đến quy định về Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện (Mục 1 Chương VI từ Điều 99 đến Điều 103), PGS. TS Đinh Dũng Sỹ thể hiện quan điểm đồng tình với đề xuất nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Bời vì, hiện tại BHXH tự nguyện mới chỉ có chế độ hưu trí, tử tuất. Điều này cũng là thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng. Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức mà NSNN đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số). Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Cho rằng bổ sung trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước bảo đảm như đề xuất của dự thảo Luật là rất tốt tuy nhiên, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ đề nghị cũng cần từng bước mở rộng sang các chế độ khác, dựa trên đóng góp của người lao động. Nếu thấy ở thời điểm này chưa khả thi khi quy định cứng trong Luật thì nên trao quyền cho Chính phủ quy định mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Đối với BHXH tự nguyện chúng tôi cho rằng phải thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa. Theo đó, cần thiết kế nhiều sản phẩm linh hoạt và phù hợp để người dân lựa chọn.

Nghiêm túc trong tổ chức thực thi

Ngoài ra, đối với quy định nhằm phòng chống tình trạng trốn, chậm đóng BHXH  PGS. TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, vấn đề là khâu tổ chức thực thi phải thực sự nghiêm túc. Chúng ta quy định chặt chẽ, chế tài mạnh mẽ như dự thảo nhưng cần kiên quyết, nghiêm túc trong tổ chức thực thi thì mới đem lại hiệu quả. Nếu thiếu kiên quyết, hời hợt trong tổ chức thi hành như giai đoạn vừa qua thì cũng không có chuyển biến tích cực, không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Cũng theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH. Ví dụ như Bộ luật Hình sự đã quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH, nhưng thử hỏi trên thực tế chúng ta đã truy tố, xử lý hình sự được bao nhiêu trường hợp? Vậy trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào, nhất là cơ quan điều tra, khởi tố, truy tố?. Do đó, đề nghị cần rà soát, bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong phối hợp thực hiện các biện pháp nói trên, đặc biệt là khi cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trường hợp không quyết định khởi tố thì cơ quan điều tra có trách nhiệm phản hồi lại cơ quan BHXH một cách công khai, rõ ràng, thuyết phục về lý do không khởi tố./.

Lê Anh