ĐOÀN ĐBQH TỈNH NGHỆ AN KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36 CỦA QUỐC HỘI TẠI SỞ TÀI CHÍNH VÀ SỞ XÂY DỰNG
Các đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Nhật Minh - Đại biểu quốc hội chuyên trách chủ trì hội nghị. Ảnh: G.H
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị: Sở Tư Pháp, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; các chuyên gia, cộng tác viên pháp luật, cùng một số địa phương liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhận thức việc ban hành các Luật này là hết sức cần thiết; đồng thời cho rằng, các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tương đối đầy đủ, giải thích rõ các vướng mắc, bất cập trong các dự thảo Luật.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: G.H
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đại diện Công an tỉnh Nghệ An khẳng định 2 dự án Luật này có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Hiện ở cơ sở có 3 lực lượng chính gồm: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng. Thực tiễn cho thấy, đây là những lực lượng nòng cốt để đảm bảo công tác an ninh cơ sở, vì vậy, việc phải có dự án luật quy định cụ thể đối với những lực lượng này là cần thiết.
Đối với Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại diện ngành Công an cho rằng, dự thảo Luật phù hợp với xu thế chuyển đổi số cũng như đòi hỏi của thực tiễn và quá trình hội nhập của đất nước hiện nay. Dự thảo Luật Căn cước công dân mới có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, áp dụng với cả người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Việc bổ sung nội dung cấp Giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đại tá Trần Ngọc Tuấn- Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An giải trình một số vấn đề liên quan đến Luật Lực lượng an ninh cơ sở và Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Ảnh: G.H
Tại hội nghị, một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về tên gọi “thẻ căn cước” hay “thẻ căn cước công dân” và đề nghị nên thống nhất tên gọi “thẻ căn cước công dân” để phân biệt người được cấp thẻ có phải là công dân Việt Nam hay không. Theo một số đại biểu các vấn đề liên quan đến đổi thẻ, chi phí đổi thẻ căn cước cũng phải có quy định rõ ràng, hướng dẫn cụ thể hơn.
Đại biểu đến từ xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn nêu Điểm i, Khoản 1, Điều 18 yêu cầu thể hiện thông tin “Nơi đăng ký Giấy khai sinh” trên thẻ căn cước công dân là không hợp lý, vì trong thực tế và theo quy định của pháp luật hiện hành, một người mất Giấy khai sinh có thể đăng ký lại ở một nơi khác và trong trường hợp này có thể dẫn tới sự thay đổi thông tin trên Giấy khai sinh. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu căn cước, những thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử, tránh việc thông tin cá nhân có thể bị khai thác, sử dụng trái luật.
Chụp ảnh và lấy dấu vân tay để làm thẻ căn cước công dân. Ảnh tư liệu P.V
Về Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, một số đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật quy định đây là lực lượng do chính quyền cơ sở thành lập, nhưng chịu sự quản lý, điều hành của cả chính quyền và quản lý của cả công an xã là chồng chéo, đề nghị có sự điều chỉnh bổ sung cho thống nhất. Bên cạnh đó, quy định về nguồn ngân sách và cơ chế, chính sách đối với lực lượng an ninh cơ sở hiện còn chung chung sẽ gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là đối với các địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Vì vậy, cần phải quy định rõ hơn nội dung này căn cứ trên đặc điểm, đặc thù của từng vùng, miền.
Các đại biểu cũng cho rằng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh cơ sở là nhiệm vụ toàn dân, vì vậy, nên quy định thành lập quỹ an ninh, trật tự ở cơ sở để huy động sức mạnh toàn dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách. Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Vinh đề nghị nâng phụ cấp đảm bảo quyền lợi cho các tổ bảo vệ dân phố, nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ an ninh cơ sở.
Công an xã Tri Lễ (Quế Phong) cùng cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ trao đổi với người dân bản Mường Lống. Ảnh: Đình Tuyên
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bởi trên thực tế còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ. Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị bổ sung làm rõ hơn một số khái niệm như "công trình lưỡng dụng", "công trình quốc phòng có trong quy hoạch" và giải thích thêm về một số thuật ngữ có trong dự thảo Luật.
Đại tá Trần Võ Việt - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: G.H
Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc- Phó trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh nêu: Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5 xác định: “Công trình quốc phòng bao gồm công trình chỉ huy, công trình tác chiến, bảo đảm tác chiến trên mặt đất, trong lòng đất; công trình sơ tán của ban, bộ, ngành Trung ương; sân bay quân sự, bến cảng quân sự; hang động tự nhiên được cải tạo hoặc quy hoạch xây dựng cho nhiệm vụ tác chiến, phòng thủ; thành cổ, pháo đài cổ; hầm, hào, lô cốt do lịch sử để lại”, đề nghị đưa các loại hình là công trình trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không để đảm bảo tính thống nhất trong dự thảo, đồng thời phù hợp với xu thế hiện nay.
Thực hành đánh địch đổ bộ đường không trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2022. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung -Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của đại biểu đóng góp vào các dự thảo Luật; đồng thời, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để trình Quốc hội xem xét, hoàn chỉnh các dự thảo Luật sớm được thông qua vào kỳ hợp tới.
- Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 45 điều quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật này quy định đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (viết gọn là người gốc Việt Nam); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
- Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm; chế độ, chính sách đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 34 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…