Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế xã hội cũng như đời sống người dân. Trước đó, tại các diễn đàn Quốc hội, cho ý kiến về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó, về điều 229 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, các khoản 1, 2, 3 có quy định 5 hình thức hòa giải tranh chấp về đất đai, gồm: Tự hòa giải; Hòa giải ở cơ sở; Hòa giải tại Tòa án; Hòa giải thương mại; Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đối với trường hợp hòa giải thành mà có sự thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất, khoản 5 Điều 229 chỉ quy định về trình thự, thủ tục công nhận sự thay đổi đối với 02 hình thức hòa giải là: Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã và Hòa giải tại Tòa án. Như vậy, đối với 03 hình thức hòa giải còn lại, nếu có sự thống nhất về thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất sẽ không có cơ chế để công nhận kết quả hòa giải. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung các trường hợp này tại khoản 5 Điều 229 cho phù hợp.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, dự thảo Luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện. Cần làm rõ khái niệm thế nào là “phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”, thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, dự liệu các trường hợp xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới
Góp ý tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần đánh giá, tổng kết Nghị quyết 132 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đồng thời, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây, Quốc hội cũng cho ý kiến Luật Quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị Ban Soạn thảo 2 luật này có sự trao đổi, thống nhất giữa 2 Luật để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Tham gia ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã có văn bản tham gia thẩm tra phối hợp với Ủy ban Kinh tế và có những đề xuất cụ thể. Nhấn mạnh dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án Luật đồ sộ, khó và được cử tri rất quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị trong Tờ trình của Chính phủ cần có cách thức đề cập đến việc phản hồi những ý kiến đóng góp của người dân một cách công khai, minh bạch, thể hiện được sự trân trọng đối với những góp ý của nhân dân. Liên quan đến vấn đề xây dựng bảng giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; cho rằng việc xây dựng bảng giá đất rất mất thời gian, do vậy đề nghị cần cân nhắc có nên áp dụng trong thời gian dài hơn hay không?
Cùng tham gia ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thay đổi nhiều so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần trước. Đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã rất chủ động, sát sao trong việc tổng hợp ý kiến của nhân dân với khối lượng lấy ý kiến rất lớn và thời gian lấy ý kiến, tiếp thu không nhiều.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên
Dự án Luật Đất đai có mối quan hệ chặt chẽ với Luật Dân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên góp ý thêm về quy định quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề. Quyền hạn chế thửa đất liền kề được tiếp cận theo Luật Dân sự 2015 và cách tiếp cận này mới hơn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, dự thảo Luật Đất đai chưa cập nhật theo hướng tiếp cận mới này. Bên cạnh đó, quyền đối với bất động sản liền kề được xác định xác lập do địa thế tự nhiên theo quy định của luật theo thỏa thuận, theo di chúc. Nội dung này cũng được quy định tại Điều 246 của Bộ luật Dân sự.
Về việc xây dựng công trình ngầm và công trình trên không tại Điều 75 của dự thảo Luật quy định là thu hồi phần diện tích đất trên bề mặt để phục vụ xây dựng công trình ngầm. Để đảm bảo việc khai thác giá trị đất đai ổn định và các quan hệ xã hội phù hợp với tính chất của quyền bề mặt được quy định trong Bộ luật Dân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nhận thấy, Luật Đất đai cũng nên quy định theo hướng là Nhà nước chỉ thu hồi phần không gian ngầm mà không phải là thu hồi phần diện tích đất trên bề mặt, trong trường hợp này, người sử dụng đất sẽ tiếp tục được sử dụng đất trên bề mặt và khoảng không.
Đồng thời được Nhà nước bồi hoàn, bồi thường hoặc hỗ trợ đối với phần thiệt hại, chi phí phát sinh do bị thu hồi phần không gian đó. Nhà nước chỉ đặt vấn đề thu hồi phần mặt đất nếu thửa đất được lựa chọn để xây dựng công trình phụ trợ cho khai thác và sử dụng công trình ngầm. Về mối quan hệ giữa dự thảo Luật Đất đai và dự thảo Luật Nhà ở, hai dự thảo Luật này vẫn còn một số điểm đang còn khác nhau như về thu hồi đất, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, về thu tiền sử dụng đất cho nhà ở công vụ… Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đề nghị Chính phủ rà soát rà soát thêm và bổ sung thêm và sửa luôn ngay trong đợt này để quy trình làm luật và việc áp dụng pháp luật sẽ thuận lợi hơn.