ĐIỀU PHỐI, HUY ĐỘNG CHUYÊN GIA, ĐẠI BIỂU CÓ UY TÍN, KINH NGHIỆM TRONG GIÁM SÁT GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

19/08/2023

Chia sẻ về mô hình Ủy ban Dân nguyện, cơ quan giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, cơ quan này nếu được thành lập sẽ vừa trực tiếp thực hiện, vừa là đầu mối tiến hành điều phối chuyên gia và các đại biểu Quốc hội có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực cụ thể thuộc nội dung của khiếu nại, tố cáo nhằm giải quyết và giám sát việc giải quyết có hiệu quả.

Chia sẻ về mô hình Ủy ban Dân nguyện, cơ quan giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương cho rằng đây là cơ quan chuyên môn thuộc cơ cấu của Quốc hội, có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với nội hàm của hoạt động dân nguyện. Trong xu thế dân chủ hóa ngày càng được thực hiện sâu rộng ở Việt Nam hiện nay thì việc thành lập Ủy ban Dân nguyện thuộc Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí pháp lý đặc biệt của Quốc hội, phù hợp với tính chất đại diện của Quốc hội Việt Nam. Đồng thời, cũng tăng cường và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa Quốc hội và Nhân dân, đặc biệt là đối với những vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động của cơ quan công quyền gây bức xúc trong Nhân dân.

PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương 

Là cơ quan chuyên môn của Quốc hội, Ủy ban Dân nguyện sẽ đảm bảo được tính chuyên môn và tính chất thường xuyên của Quốc hội, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri qua đó được giải quyết kịp thời. Với bộ máy chuyên nghiệp và cơ quan giúp việc có nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực, có kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ là yếu tố đảm bảo rằng hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ không phải chỉ là phân loại và xử lý đơn thư mà là hoạt động mang tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao trong việc đôn đốc trả lời, quy kết trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, việc thành lập Ủy ban Dân nguyện sẽ tránh được sự phân tán trong hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội đảm nhiệm. Đây là một sự phân tán làm cho hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với lĩnh vực mà Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban phụ trách nhưng thực chất các cơ quan này mới chỉ thực hiện hoạt động chuyển thư đến các cơ quan có thẩm quyền chứ không tham gia vào toàn bộ quá trình giám sát. Do đó, Ủy ban Dân nguyện được thành lập sẽ là cơ quan vừa trực tiếp thực hiện, vừa là đầu mối tiến hành điều phối chuyên gia và các đại biểu Quốc hội có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực cụ thể thuộc nội dung của khiếu nại, tố cáo nhằm giải quyết và giám sát việc giải quyết có hiệu quả.

Là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực dân nguyện, Ủy ban Dân nguyện có quyền tiếp cận với cử tri, nghe ý kiến kiến nghị của cử tri, thu thập ý kiến của cử tri, tiến hành các hoạt động điều tra trực tiếp (đây là một thẩm quyền cơ bản, cần thiết phải có của Ủy ban Dân nguyện - công cụ bảo đảmthành công của hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo). Mặc dù chúng ta có cơ chế thành lập Ủy ban lâm thời để tiến hành điều tra, song trong trường hợp cần thiết chứ không phải thành lập và tiến hành điều tra để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban. Do đó, việc thành lập và bổ sung thêm cho Ủy ban Dân nguyện thẩm quyền điều tra để tăng ưu thế của cơ quan này nhằm đảm bảo giám sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo và thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri là hết sức cần thiết.

Trong cơ chế tổ chức quyền lực hiện nay ở Việt Nam, Quốc hội là cơ quan có ưu thế về mặt pháp lý và chính trị. Do đó, Ủy ban Dân nguyện thuộc Quốc hội được thành lập sẽ là một tổ chức phù hợp với cơ chế kiểm soát quyền lực. Bởi lẽ, cơ quan này trong quá trình hoạt động vẫn bảo đảm nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng (đây là điểm khác so với Thanh tra Quốc hội – hoạt động động lập, phi chính trị) đồng thời Nhân dân sẽ tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của một cơ quan pháp định hơn là hiệu quả hoạt động của một cá nhân có uy tín (đây là yếu tố phù hợp với truyền thống pháp lý và dân tộc Việt Nam).

Phân tích trở ngại của mô hình Ủy ban Dân nguyện, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà cho rằng, trong khi hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một thẩm quyền được phân bố đều cho các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội thì việc thành lập Ủy ban Dân nguyện sẽ phải đồng thời với việc phân định lại thẩm quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội. Đây là vấn đề không phải dễ giải quyết.

Để đáp ứng nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban Dân nguyện đòi hỏi phải có sự lựa chọn đại biểu Quốc hội chuyên trách và bộ máy giúp việc phù hợp với tính chất thường xuyên, liên tục của hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo và thu thập yêu cầu, thỉnh nguyện của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội v.v..

PGS.TS Trương Thị Hồng Hà nêu rõ, thành lập Ủy ban Dân nguyện là một xu hướng có ưu thế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - chính trị - xã hội như ở Việt Nam. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Quốc hội là một điều tất yếu, xuất phát không phải vì nhu cầu tự thân của Quốc hội mà do yêu cầu từ phía Nhân dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, trong đó, quyền và lợi ích hợp pháp của con người được bảo đảm thực hiện, công dân được trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Hồ Hương

Các bài viết khác