Bàn về công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp công dân, giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương
Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết. đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đến trình bày và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan; xem xét, xác minh vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Để bảo đảm điều kiện cho đại biểu Quốc hội tiếp nhận, xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thì theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm cung cấp cho đại biểu Quốc hội thông tin, tư liệu, văn bản quy phạm pháp luật và phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Cơ quan, tổ chức nơi đại biểu Quốc hội công tác có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đối với việc tổ chức chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua hình thức chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, những vụ việc tồn đọng, kéo dài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thành lập các đoàn giám sát chuyên đề. Việc thành lập các đoàn đi giám sát được tiến hành trên cơ sở căn cứ vào chương trình giám sát của các chủ thể có quyền giám sát (giám sát theo định kỳ) hoặc theo yêu cầu của Quốc hội hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan (giám sát đột xuất).
Theo Điều 2, Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13, Ban Dân nguyện có quyền: Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật về tiếp công dân; Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Dân nguyện để nghiên cứu; khi cần thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân.
Phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo Nghị quyết về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử
Tổng hợp, phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội; Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện có vai trò tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để trình Quốc hội. Tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân về công tác dân nguyện. Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.