Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trước đó, Ủy ban Xã hội đã tổ chức các Hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia đối với dự án luật này. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Dự thảo Luật được xây dựng bám sát 05 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội; Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Tại dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội (từ điều 36 đến điều 44). Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên; …
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong
Tại hội thảo về dự án Luật Bảo hiểm xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bên cạnh đó cũng còn những hạn chế như: Chính sách bảo hiểm mới tập trung cho khu vực chính thức, chưa quan tâm đến khu vực phi chính thức. Việc mở rộng và phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng, một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia bắt buộc nhưng chưa có trong quy định pháp luật, số lượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh dẫn tới độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm.
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, kiêm Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Pauline Tamesis phát biểu
Tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội chưa cao, tình trạng trốn đóng, chậm đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng cũng như lam dụng bảo hiểm xã hội, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thật sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, nặng về chi trả trợ cấp thất nghiệp, chưa chú trọng thoả đáng đến các chính sách thị trường lao động chủ động. Chưa thích ứng hiệu quả với xu hướng tuổi thọ gia tăng và quá trình già hoá dân số. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chưa có đổi mới mạnh mẽ để thu hút người lao động tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội.
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Duy Cường cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội cần được sửa đổi căn bản, toàn diện nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hoá các nội dung trong Nghị quyết số 28/NQ-TW theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động.
Cùng với đó, cần sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm bình đẳng giới; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Toàn cảnh Hội thảo
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Pauline Tamesis kiến nghị, việc mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội phải là trọng tâm trong việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Hoạt động này phải bao gồm việc đưa ra các hành động và thực hiện các nỗ lực nhằm bảo đảm nâng cao khả năng ứng phó của hệ thống trước các cú sốc, bảo đảm tính bao trùm toàn bộ người dân, đặc biệt là các nhóm dân số dễ bị tổn thương hơn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã có nhiều tham luận, ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Các đại biểu tập trung trao đổi về các vấn đề liên quan đến: quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; lồng ghép giới trong dự thảo Luật; tình hình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; hưởng bảo hiểm xã hội một lần; già hoá dân số và những thách thức…