CẦN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG NHÂN SỰ TRÊN NHIỀU TIÊU CHÍ CỤ THỂ ĐỂ CÓ PHƯƠNG HƯỚNG CẢI THIỆN SAU KHI LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

01/08/2023

Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần đánh giá chất lượng nhân sự trên nhiều tiêu chí cụ thể để có phương hướng cải thiện sau khi lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, so với quy định 96 của Bộ Chính trị thì đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đây có mở, không lấy phiếu tín nhiệm trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo đang phải khám, chữa bệnh và không trực tiếp đảm nhiệm chức vụ trong thời gian từ 6 tháng liên tục trở lên. Hoàn toàn nhất trí với quy định này, đại biểu cho rằng điều đó thể hiện tính nhân văn và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có yêu cầu đối với các cơ quan đã quản lý cán bộ cũng như là người đã trình Quốc hội xem xét bầu, bổ nhiệm những chức vụ này để có sự thay thế phù hợp, vì một trong những yêu cầu đối với các chức danh được bầu hay phê chuẩn là phải bảo đảm yêu cầu về sức khỏe.

Cùng tham gia ý kiến, đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, cần xem xét kỹ về mặt từ ngữ, “lấy phiếu tín nhiệm” từ khía cạnh của các tổ chức, còn “bỏ phiếu” là hành vi của người trực tiếp có quyền để bỏ phiếu. Bây giờ chúng ta tách biệt bỏ phiếu, bỏ phiếu là một hành vi trong trường hợp sau khi lấy phiếu không đạt rồi bắt đầu để bỏ phiếu thì tất cả 2 hành vi của đại biểu đều bỏ phiếu. Về khái niệm, đại biểu cho rằng 2 từ đó như chưa rõ nghĩa. Đối với những nội dung như về phương pháp bỏ phiếu, đại biểu cho rằng dựa trên Nghị quyết của Đảng, trên thực tế đã lấy phiếu nếu đưa chi tiết hóa được các tiêu chí và đánh giá trên từng các tiêu chí cụ thể, để người được lấy phiếu tín nhiệm biết mình cần sửa đổi, cải thiện ở điểm, tiêu chí nào, đảm bảo hiệu quả của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Góp ý cho nội dung dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố bầu hoặc phê chuẩn sửa đổi, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, về sự cần thiết, đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành và đánh giá hồ sơ dự thảo nghị quyết theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật khi thẩm tra tờ trình này.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu thống nhất với nội dung dự thảo nghị quyết. Có nghĩa là Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân cấp huyện chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu và theo dự thảo nghị quyết này thôi, không mở rộng ra thêm các đối tượng. Chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tại thành phố Thủ Đức thì Hội đồng nhân dân thành phố sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh này, bởi vì bản chất đây là chức danh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm. Việc giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận nếu có thì sẽ thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 của dự thảo nghị quyết này, có nghĩa là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có quyền đề nghị hoặc chất vấn đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân của các quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng Hội đồng nhân dân thành phố sẽ không biểu quyết.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, đại biểu cũng thống nhất bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, có xác nhận của cơ sở y tế và không tham gia công tác điều hành từ 6 tháng trở lên theo quy định của cơ quan cá nhân có thẩm quyền như là quy định tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo. Bởi vì trong thực tiễn có những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo và không thể tham gia điều hành công tác được, nếu lấy phiếu tín nhiệm với đối tượng này thì không phù hợp. Do đó, đại biểu tán thành với dự thảo nghị quyết quy định về nội dung này.

Cùng với đó, đại biểu cũng thống nhất với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo vì phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ có mức tín nhiệm thấp theo Quyết định 96, Quyết định 41 của Trung ương.

Đối với trường hợp những người có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nêu là nên bổ sung cơ chế cho họ có thể chủ động xin từ chức và trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc là người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mới thì sẽ trình Quốc hội hoặc là trình Hội đồng nhân dân xem xét miễn nhiệm hoặc là phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó. Đại biểu bày tỏ thống nhất với ý kiến này. Đại biểu đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm trường hợp nếu như cá nhân cán bộ đó Hội đồng nhân dân hoặc là Quốc hội đánh giá phiếu tín nhiệm thấp nhiều từ mức 2/3 tổng số đại biểu trở lên thì cần có cơ hội để tạo ra cơ chế để người đó có thể chủ động xin từ chức. Đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ sát với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện đem đến chuyển biến tích cực và nhanh chóng cho hoạt động này.

Minh Hùng