ĐỀ XUẤT XÁC THỰC TÀI KHOẢN MẠNG XÃ HỘI QUA SỐ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

01/08/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Trong đó có nội dung đề xuất xác thực tài khoản mạng xã hội qua số điện thoại di động.

CẦN CÓ CHẾ TÀI XỬ ĐỦ SỨC RĂN ĐE VỚI HÀNH VI GÂY NGUY HẠI CHO CỘNG ĐỒNG TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất xác thực tài khoản mạng xã hội qua số điện thoại di động

Việt Nam hiện có hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội từ Facebook, Zalo, YouTube, TikTok, Instagram… Hầu hết mọi hoạt động đời thực đều hiện hữu trên không gian mạng nên việc định danh tài khoản mạng xã hội đang được dư luận quan tâm. Trên nhiều nền tảng trực tuyến, việc xác thực định danh đã được thực hiện khá lâu trên phạm vi toàn cầu, trong đó những mạng xã hội này buộc người dùng cung cấp thông tin cá nhân để đối chiếu xác thực thông tin trên tài khoản trùng khớp với người sở hữu. Quy định này đến nay vẫn còn hiệu lực, song thực tế không hiệu quả khi tài khoản ảo, tài khoản giả mạo vẫn tràn lan.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72//2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Trong đó, Bộ này đề xuất bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.

Theo dự thảo nói trên, người sử dụng mạng xã hội sẽ phải thực hiện xác thực bằng việc cung cấp tên thật và số điện thoại chính chủ. Những tài khoản nào đã qua định danh mới có thể đăng tải bài viết, tham gia bình luận và sử dụng tính năng live stream (phát trực tiếp). Nếu không, sẽ chỉ được xem nội dung và dần tiến tới việc tài khoản tự hủy vì không tương tác.

Cũng theo dự thảo này, cơ quan quản lý các nền tảng trực tuyến có trách nhiệm định danh người dùng, quản lý nội dung live stream và gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 3 giờ khi có yêu cầu. Trường hợp các kênh và tài khoản có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát sinh doanh thu (như bán hàng online), người dùng phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việt Nam hiện có hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, đang triển khai xác thực định danh điện tử. Nếu đồng bộ hóa dữ liệu này với dữ liệu người dùng mạng xã hội thì mỗi hành vi, phát ngôn của người dùng đều gắn chặt với trách nhiệm pháp lý của họ. Chỉ khi ấy, các vấn đề tiêu cực, tội phạm, mới giảm thiểu, môi trường không gian mạng mới lành mạnh, văn minh.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Điểm a Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng đã có quy định các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.

Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này. Bên cạnh đó, thực tế quản lý cho thấy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng… Do vậy, để đảm bảo hiệu quả quản lý mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng, cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định này sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước.

Dự thảo Nghị định này cũng bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung. Cụ thể, bên cạnh việc bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thì việc đề xuất bổ sung thêm quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.

Ngoài ra, dự thảo này cũng bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung trên nền tảng mạng xã hội của mình theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên không gian mạng…

Đánh giá nội dung của các đề xuất được đưa ra, không ít ý kiến cho rằng, việc định danh tài khoản trên mạng xã hội là rất cần thiết, vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh, góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật hoặc gây hại cho xã hội trên không gian mạng. Đồng thời, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng./.

Thu Phương