CẦN MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH ĐẤT SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

28/07/2023

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, đối với chính sách đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số, nếu chỉ áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp. Trong thực tế, chỉ có các xã khu vực I (bước đầu phát triển) hoặc đạt nông thôn mới đã cơ bản bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng.

ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ nhất trí với nội dung chỉnh lý tên điều và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Tại khoản 1 Điều 17 chỉnh lý, bổ sung nội dung “thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, nghĩa là phạm vi đã thu hẹp từ toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), chỉ còn áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Đối với chính sách đất ở cho cá nhân là người DTTS thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là phù hợp và thống nhất với chính sách ưu tiên được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 157.

Tuy nhiên, đối với chính sách đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS, nếu chỉ áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp. Trong thực tế, chỉ có các xã khu vực I (bước đầu phát triển) hoặc đạt nông thôn mới đã cơ bản bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng, còn nhiều xã khu vực II chưa bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng, do đó nếu không có ưu tiên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện đối với địa bàn này.

Tại khoản 2 Điều 17, về việc thay đổi đối tượng chính sách, từ “trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp” thành “cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, nghĩa là phạm vi từ khu vực nông thôn vùng DTTS&MN (cả 3 khu vực) thu hẹp chỉ còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhưng Chính phủ không có lý giải nguyên nhân và Báo cáo đánh giá tác động của chính sách  không đề cập đến nội dung này. Trong thực tế ở vùng đồng bào DTTS&MN, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nghèo là đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ về đất sản xuất (nếu địa phương có quỹ đất) hoặc đào tạo chuyển đổi nghề (nếu địa phương không có quỹ đất) để tạo sinh kế, có thu nhập, ổn định cuộc sống. Với nội dung chỉnh lý như dự thảo Luật thì đối tượng (hộ gia đình, người nghèo DTTS) tại các xã khu vực I, II không được hưởng chính sách. Quy định này có thể sẽ có tác động tương tự như Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ , khi phân định xã vùng DTTS&MN (theo 03 khu vực) đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách đối với nhiều đối tượng tại các địa bàn bị điều chỉnh.

Từ phân tích trên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khoản 1 Điều 17 nên giữ nguyên như quy định của Luật năm 2013, vì chính sách ưu tiên về đất ở đối với cá nhân đã được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 157. Ở khoản 2, các đại biểu đề nghị kế thừa quy định của Luật năm 2013 và cụ thể đối tượng là hộ gia đình nghèo, người nghèo. Đề nghị viết lại như sau: “Có chính sách tạo điều kiện ưu tiên đối với cho đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp, bảo đảm sinh kế thông qua các hình thức:...”.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét điều chỉnh chính sách đất ở đối với cá nhân từ khoản 1 chuyển sang khoản 2 để: Khoản 1 quy định chính sách về đất cho cộng đồng và Khoản 2 quy định chính sách về đất cho hộ gia đình, cá nhân. Bổ sung vào khoản 2 nguyên tắc 01 đối tượng chỉ được hưởng 01 chính sách và chỉ được hưởng 01 lần. Chỉnh lý khoản 2 Điều 49 phù hợp với điểm b khoản 2 Điều 17 (nếu chỉnh lý theo ý kiến của HĐDT về địa bàn áp dụng việc cho thuê đất).

Về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS tại Điều 17 (nội dung giải trình tại trang 26-27 Báo cáo số 277/BC-CP), các đại biểu cho rằng nội dung giải trình của Chính phủ còn thiếu cơ sở thực tiễn, chưa thực sự thuyết phục, do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, quy định các chính sách đất đai cho các đối tượng ưu tiên trong một điều (hoặc mục) của dự thảo Luật (như đã kiến nghị tại Báo cáo số 959/BC-HĐDT15); trường hợp không quy định chung cho tất cả các đối tượng ưu tiên thì có điều quy định riêng cho đồng bào DTTS để thuận lợi cho việc cụ thể hóa chính sách và tổ chức thực hiện của các địa phương.

Về sử dụng đất nông, lâm trường bàn giao lại cho địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ cơ bản nhất trí với nội dung tiếp thu của Chính phủ về việc quy định đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao lại cho địa phương, ưu tiên giao đất đối với đồng bào DTTS và một số đối tượng chính sách. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong thời gian qua rất hạn chế, trong diện tích đất bàn giao về cho địa phương để giao cho các hộ thiếu đất là đồng bào DTTS chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, do đó các đại biểu đề nghị cần có quy định thu hồi đất từ các đối tượng khác (ngoài các công ty nông, lâm nghiệp và các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 180) để bổ sung quỹ đất giao cho đồng bào DTTS. Trong thực tế, nhiều địa phương không có nông, lâm trường nhưng có nhiều hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý bổ sung kiến nghị này.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều ý kiến đề nghị việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng phải được thông tin đến thôn, bản, cộng đồng dân cư (những đối tượng đã tham gia ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện)...”. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc quy định công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đến thôn, bản, cộng đồng dân cư là cần thiết; quy định này cũng phù hợp với các quy định của dự thảo Luật về công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các “địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư...” tại khoản 4 Điều 86, khoản 2 Điều 87, khoản 1 và 2 Điều 110... Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, tiếp thu kiến nghị này.

Hồ Hương