QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15
Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã nghiên cứu báo cáo, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt tổng quan tỉnh hình thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phố thông, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, về chế độ bồi dưỡng giáo viên, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP , trong đó đã sửa đổi một số quy định về chương trình bồi dưỡng đối với viên chức để cắt giảm các chương bồi dưỡng trùng lặp, không cần thiết và tập trung bồi dưỡng kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát
Cụ thể, viên chức mỗi chuyên ngành chỉ học 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thời gian học tối đa là 06 tuần và cho phép sử dụng chứng chỉ hành nghề thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng. Theo đó, giáo viên không phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp để dự thi hoặc xét thăng hạng. Quy định các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm đối với viên chức có thời gian tối đa là 01 tuần; viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức và theo nhu cầu bản thân, thời gian thực hiện tối thiểu 01 tuần (40 tiết)/năm, tối đa 04 tuần (160 tiết)/năm. Theo đó, các chương trình bồi dưỡng thường xuyên hàng năm đối với giáo viên sẽ phải giảm tải (tối đa 160 tiết/năm) và theo nhu cầu của viên chức (không yêu cầu bắt buộc hàng năm).
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quy định các chương trình bồi dưỡng đối với giáo viên. Cụ thể: Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý (cấp 1 lần; thời lượng bồi dưỡng là 360 tiết). Chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên (cấp hàng năm): Đối với giáo viên mầm non để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm được quy định tại Thông tư số 12/2019/TT-BGDĐT , thời lượng 120 tiết/năm. Đối với giáo viên phổ thông nhằm bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm được quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT , thời lượng 120 tiết/năm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa
Chứng chỉ chương trình dạy môn tích hợp (cấp 1 lần): Cấp Tiểu học là chứng chỉ được cấp cho giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ được quy định tại Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT , thời lượng bồi dưỡng là 02 tháng. Cấp Trung học cơ sở là chứng chỉ được cấp cho giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên được quy định tại Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ; chứng chỉ được cấp cho giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý được quy định tại Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT , thời lượng bồi dưỡng là 03 tháng. Căn cứ quy định của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, điều chỉnh các chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục cho phù hợp.
Về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định hạng chức danh nghề nghiệp là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp từ cao xuống thấp; mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được áp dụng theo nhóm lương tương ứng trong bảng lương viên chức; việc chuyển viên chức từ hạng thấp lên hạng cao phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng. Thực hiện chủ trương cắt giảm văn bằng, chứng chỉ, cải cách thủ tục hành chính, hiện nay, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ sửa đổi quy định về hạng chức danh nghề nghiệp, theo đó sẽ không tiếp tục quy định nội dung thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (chỉ giữ lại hình thức xét thăng hạng). Trong thời gian tới, cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo vị trí việc làm và đổi mới về tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tổng thể để không tiếp tục quy định về hạng chức danh nghề nghiệp trong quy định của Chính phủ.
Về bố trí, phân công công tác giáo viên, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP không quy định về “điều động” viên chức nên có khó khăn trong việc bố trí, điều chuyển giáo viên từ nơi “thừa” sang nơi “thiếu” trong cùng địa phương; đồng thời có tình trạng ở địa phương khi tuyển dụng giáo viên chưa bảo đảm cơ cấu các môn học theo quy định dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Công tác dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn do phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị; một số địa phương thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp (sáp nhập các trường, lớp) dẫn đến việc dôi dư giáo viên ...
Mặt khác, do đội ngũ giáo viên phổ thông công tác ở nhiều cấp học thuộc các cấp quản lý khác nhau (giáo viên tiểu học, trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện; giáo viên trung học phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), theo đó dẫn đến việc tuyển dụng, bố trí, phân công công tác giáo viên chưa sát với thực tế của từng trường, từng địa phương.
Về thực hiện hợp đồng lao động giáo viên, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW , tại Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ), quy định về việc không thực hiện ký hợp đồng lao động đối với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.
Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn trước mắt cho các địa phương, bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” trong khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102-NQ/CP , cho phép: Đơn vị sự nghiệp giáo dục tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao; Đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 02 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 02 buổi/ngày).
Thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP, Công văn số 7253/VPCP-TCCV của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kết luận số 28-KL/TW và giải quyết các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Nội dung dự thảo Nghị định cho phép ký kết hợp đồng lao động để thực hiện công việc ở vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt đối với lĩnh vực sự nghiệp y tế và sự nghiệp giáo dục.