ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA TP.HỒ CHÍ MINH
Vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn chuyên môn và hội đồng phản biện khoa học rất quan trọng
Với việc mạng xã hội, báo chí thời gian gần đây chia sẻ về những đề tài luận án tiến sĩ, mà nếu chỉ đọc tên sẽ không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn. Từ đây, rất nhiều câu hỏi đặt ra về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ. Dù chưa có sự đánh giá cụ thể về nội dung của các luận án được dư luận xã hội phản ánh, song qua đây có thể thấy, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn là vấn đề đáng bàn. Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng đào tạo tốt hay không vẫn bắt nguồn từ chính các cơ sở đào tạo từ khâu xét duyệt đề tài đến quá trình nghiên cứu và phản biện và cấp bằng. Điều này rất cần sự giám sát và phản biện của xã hội.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, theo quy định tại quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 3 bước như sau: Đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại hội đồng cấp trường/viện. Người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài (ít nhất có người không công tác tại cơ sở đào tạo), có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án. Thành viên hội đồng đánh giá luận án phải là những nhà khoa học có tiêu chuẩn như người hướng dẫn, trong đó chủ tịch hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án. Bên cạnh đó, yêu cầu phải công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án trên các tạp chí, sách chuyên môn tham khảo, hội nghị khoa học ở trong hoặc ngoài nước; đăng tải thông tin buổi bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của Bộ GD&ĐT, của các cơ sở đào tạo trước và sau khi bảo vệ luận án đã bổ sung thêm một kênh công khai, minh bạch hóa thông tin để tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án. Ngoài ra, quy chế còn quy định, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định nội dung một số luận án tiến sĩ khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo, hay theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát. Đối với việc tổ chức thực hiện, quy chế của Bộ GD&ĐT quy định các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định riêng của cơ sở đào tạo trên cơ sở cụ thể hóa những quy định của Bộ GD&ĐT với yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn, nhưng không được trái với những quy định của Bộ GD&ĐT.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Như vậy, theo đánh giá của bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, để bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch thì cần gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, trong đó có trách nhiệm và vai trò của người hướng dẫn của đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, yêu cầu đặt ra cho các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn khoa học, những nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách "cầm cân nảy mực" phản biện luận án là rất lớn, luôn phải luôn đề cao đạo đức khoa học, nghiêm minh, trung thực, khách quan, không nể nang dễ dãi trong quá trình đào tạo và đánh giá để nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm được đào tạo; nâng cao nhận thức về việc minh bạch thông tin, giữ gìn uy tín về chất lượng chuyên môn chính là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi cơ sở đào tạo tiến sĩ. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài, mà còn ở nội dung, giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận. Tuy nhiên, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý.
Vì vây, để nâng cao chất lượng đào tạo Tiến sỹ, điều tiên quyết, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng các cơ sở đào tạo cần nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình trong chuyên môn học thuật, tiếp tục tăng cường minh bạch thông tin về quy trình đào tạo tiến sĩ để tranh thủ tiếp nhận và tổng hợp các phản biện xã hội và phản hồi của các bên liên quan về chất lượng đào tạo tiến sĩ, khai thác triệt để lợi thế của công nghệ thông tin trong rà soát việc sao chép luận văn, luận án và thực hiện tốt liêm chính khoa học; Nâng cao nhận thức và vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học trong đánh giá luận án tiến sĩ, giữ gìn đạo đức khoa học, tránh việc nể nang, dễ dãi để bảo đảm giá trị khoa học của từng luận án giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể. Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cũn cần duy trì việc kiểm tra, giám sát thường xuyên thông qua việc thực hiện giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Cùng với đó là lắng nghe những phản ánh và phản biện của xã hội, của cộng đồng khoa học.
Cần có chính sách bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, tạo môi trường học thuật nghiêm túc, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo
Vấn đề về chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ là nội dung mà thời gian qua rất được dư luận quan tâm. Quy trình đào tạo tiến sĩ có lúc “sốt nóng” có lúc “sốt lạnh”, lúc “bung ra” lúc “xếp lại” khiến các cơ sở đào tạo phải chạy theo rất mệt, phát sinh rất nhiều vấn đề. Vì vậy, Uỷ ban Văn hoá giáo dục đã lựa chọn và giám sát chuyên đề này với quan điểm không cực đoan hoá, không tạo cái nhìn méo mó về đạo tạo củng cố thực sự nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nhưng đồng thời cũng không để dễ dãi trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ; phải chỉ rõ những hạn chế, bất cập hiện nay để đề xuất giải pháp, chính sách khắc phục.
Ghi nhận tại các cuộc làm việc với các cơ sở đào tạo như Đại học Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn cho thấy với hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, trong giai đoạn vừa qua và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT, cơ bản phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam theo từng thời điểm nhất định, nhưng với điều kiện về chất lượng công bố rất cao nên khó thực hiện, nhất là đối với các ngành Khoa học xã hội, vì vậy nghiên cứu sinh sẽ rất khó tốt nghiệp với điều kiện này. Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28.6.2021 lại yêu cầu cao về điều kiện người hướng dẫn, yêu cầu người hướng dẫn phải thường xuyên có công trình công bố để có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh, điều này chưa hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi giám sát
Làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ, GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng chỉ rõ thực trạng và vướng mắc bất cập. Kể từ khi thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo hơn 100.000 kỹ sư/cử nhân, hơn 10.000 thạc sĩ và hơn 600 tiến sĩ. Từ năm 2017 đến nay, Học viện đã mở 2 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ gồm: Công nghệ sinh học và Khoa học môi trường, bảo đảm các quy định về việc mở ngành. Học viện thực hiện theo phương thức xét tuyển, tổ chức 4 lần/năm. Đối tượng dự tuyển căn cứ theo chương trình đào tạo của từng ngành và được công bố trên website của Học viện theo thông báo xét tuyển nghiên cứu sinh hàng năm. Cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên bảo đảm, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ. Nhưng nếu chiếu theo quy định tại thông tư 08 và thông tư 18 thì quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ tại Học viện cũng gặp nhiều vướn mắc do Nghiên cứu sinh gặp khó khăn về tài chính trong tổ chức nghiên cứu, thí nghiệm, công bố xuất bản quốc tế; việc kiểm tra, xác định chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng gặp khó khăn do có nhiều loại chứng chỉ được tổ chức thi theo hình thức khác nhau. bên cạnh đó là các quy định về tính mới trong đề tài nghiên cứu, thời gian đào tạo, nghiên cứu, hội đồng phản biện, quy định về số lượng công trình khoa học cũng như việc kiểm soát chất lượng đầu ra, kể cả quy định về sản phẩm đóng góp cho khoa học sau khi nghiên cứu sinh đã hoàn thành luận án tiến sĩ... Nhìn nhận thấu đáo những vấn đề này chính là nền tảng tạo ra những đột phá cho chương trình đào tạo tiến sĩ. Điều này cho thấy, thực tế đào tạo bậc đại học và sau đại học đang đặt ra nhiều vấn đề, có vấn đề đến từ văn hóa xã hội, tâm huyết của chính người học, có vấn đề đến từ cơ chế và nguồn lực..
Ông Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Cũng cùng gặp phải những vướng mắc trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, Những năm vừa qua, số lượng tuyển sinh nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn đứng đầu trong số các trường thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường hiện có 31 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Một số chuyên ngành những năm gần đây thu hút ứng viên đông đảo hơn các chuyên ngành khác, như Quan hệ quốc tế, Chính trị học, Du lịch học... Tuy nhiên, một số chuyên ngành chưa thực sự hấp dẫn người tham gia dự tuyển như Hán Nôm, Khảo cổ học, Nhân học, Lịch sử sử học và sử liệu học...số lượng nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo, bảo vệ luận án trong thời gian 3 năm chuẩn không nhiều (10%), phần lớn trong khoảng thời gian 5 năm (80%), một số ít thuộc đối tượng trả về cơ quan công tác (10%).
Từ thực tiễn đào tạo cũng như liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại cơ sở, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân, ông Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đoàn giám sát. Theo đó, cần có chính sách kiểm soát chất lượng chặt chẽ và hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, tạo môi trường học thuật nghiêm túc, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong bối cảnh tự chủ diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, 5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần điều chỉnh các quy định về đào tạo tiến sĩ bằng Thông tư 08/2017/TT-BGDÐT năm 2017, Thông tư 18/2021/TT- BGDĐT năm 2021. Hai thông tư này có những quy định khác nhau về chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh, dẫn đến khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức đào tạo. Nhà trường kiến nghị việc ban hành các quy định mới về đào tạo tiến sĩ cần có tính kế thừa và phát triển, có lộ trình phù hợp với bối cảnh xã hội.
Chất lượng đào tạo Tiến sỹ phụ thuộc lớn vào cơ sở đào tạo
Tại cuộc làm việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khảo sát và làm việc với Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sài Gòn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa nêu quan điểm, để bảo đảm chất lượng đào tạo, việc các cơ sở đào tạo chú trọng kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Cùng với đó, việc gắn đào tạo với nghiên cứu sinh khoa học và chuyển giao công nghệ trong hoạt động đào tạo được thực hiện thường xuyên, giúp nghiên cứu sinh có cơ hội nghiên cứu khoa học trong quá trình học tập và nghiên cứu; thực hiện thanh tra, giám sát đào tạo, thực hiện báo cáo thường xuyên theo quy định hiện hành là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ thực chất và hiệu quả. Do đó vai trò nòng cốt của các trường đại học trong đào tạo là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng tiến sỹ, công việc hết sức quan trọng trong phát triển nhân lực chất lượng cao. Với quy mô ngày càng mở rộng, chất lượng theo hướng ngày càng tốt, thực tế đào tạo trình độ tiến sĩ đang ngày càng mang lại thành quả, tạo ra lực lượng cung cấp nhiều giá trị cho đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc
Thực tế chứng minh qua giám sát tại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) với việc nhà trường này tiên phong trong cả nước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 bảo đảm hiệu quả quản lý cao nhất, cho chất lượng đào tạo tốt nhất, thì HUTECH đã chính thức trở thành trường Đại học đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trở thành trường đại học đào tạo đa ngành, đa bậc học; là trường đại học tiên phong trong cả nước đạt chuẩn chất lượng đào tạo. Hiện, trường đào tạo trình độ tiến sĩ cho 2 chuyên ngành là Kỹ thuật điện và Quản trị kinh doanh, với đội ngũ giảng viên và cán bộ khoa học đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức đào tạo đối với ngành đăng ký đào tạo; có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu đào tạo ngành đăng ký đào tạo. Theo lãnh đạo của nhà trường thì đến nay trường có 7 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Hiện, trường có 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường, công bố các bài báo liên quan đến đề tài nghiên cứu ở các tạp chí khoa học có chất lượng theo quy định của quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ; 41 nghiên cứu sinh đang học tập.
Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi giám sát
Qua chuyên đề giám sát, những kiến nghị thực tế của các cơ sở đaò tạo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trực tiếp vào báo cáo chung về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ, góp phần làm rõ hơn bức tranh đào tạo trình độ tiến sĩ, từ đó hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong thời gian tới.