THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN (SỬA ĐỔI)

10/06/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 10/6, thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các đại biểu tán thành với việc quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, đồng thời đề nghị quy định cụ thể trong luật về quy trình cấp, quản lý và về mẫu.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG LUẬT PHẢI NHÌN SÂU, RỘNG, TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN, NHIỀU CHIỀU CỦA CHÍNH SÁCH

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04

Dự thảo Luật gồm 07 chương, 46 Điều (trong đó, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì dự thảo Luật đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 07 điều). Trong đó về phạm vi điều chỉnh quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua 04 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Vì vậy, để cụ thể hoá các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế bày tỏ tán thành với quy định của dự thảo Luật liên quan đến cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch và cho rằng quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đề nghị cần có báo cáo làm rõ số lượng người gốc Việt đang sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch để có đánh giá tác động một cách cụ thể. Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định trường hợp các đối tượng này nhập quốc tịch của quốc gia khác mà Nhà nước Việt Nam được biết được thông báo và trường hợp không được biết không được thông báo để có hướng xử lý.

Có cùng vấn đề quan tâm về đối tượng là người gốc Việt đang định cư, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho biết trong dự thảo Luật thiết kế quy định về thẻ căn cước công dân tương đối hoàn chỉnh về quy trình, mẫu thẻ, đối tượng cấp, vấn đề quản lý…Tuy nhiên về giấy chứng nhận căn cước thì lại chỉ quy định giao Chính phủ quy định. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho rằng cần phải thể chế ngay trong luật về mẫu, về quy trình quản lý cấp, quản lý sử dụng.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu phát biểu

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu đề nghị cần xác định rõ, thẻ căn cước mà đối người Việt Nam là thẻ căn cước công dân, còn cấp cho người gốc Việt Nam là giấy chứng nhận căn cước. Khi xác định rõ như vậy thì tên luật vẫn có thể giữ là Luật Căn cước công dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc cấp chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch là cần thiết để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không cần thiết phải đổi tên luật mà vẫn giữ tên luật là Luật Căn cước công dân, bởi trường hợp cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này có thể xử lý kỹ thuật bằng cách quy định trong điều khoản thi hành, trong đó có thể quy định các đối tượng này được cấp giấy chứng nhận căn cước, quy định về mẫu và quy trình cấp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phương án quy định vào điều khoản thi hành của dự án luật sẽ giải quyết được cả hai, không cần đổi tên luật, cũng không cần đổi thiết kế thẻ từ căn cước công dân thành căn cước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ

Cho ý kiến về quy định chuyển tiếp, đại biểu Hoàng Văn Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho biết trong thực tế thì hiện nay là phần lớn là cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, đặc biệt là các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã và đang sử dụng chứng minh thư do quân đội cấp để thực hiện các cái giao dịch dân sự như giao dịch ngân hàng, giao dịch giá đất, đăng ký kết hôn, đăng ký nhập học cho con hoặc là đi xe…được quy định trong các Nghị định 130/2008/NĐ-CP về chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Nghị định số 59/2016/NĐ-CP về quy định chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật và các cơ quan chức năng có liên quan có ý kiến làm rõ khi mà luật này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, thì việc các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng sử dụng chứng minh thư do quân đội cấp thực hiện giao dịch dân sự có có thay đổi, ảnh hưởng như thế nào?

Bảo Yến - Phạm Thắng