ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: TĂNG CƯỜNG TRUYỀN THÔNG, NÂNG CAO NHẬN THỨC ĐỂ GIẢM THIỂU CÁC BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM

10/06/2023

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thay đổi tích cực hành vi, lối sống để giảm thiểu các bệnh không lây nhiễm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhất trí cao với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tham gia thảo luận, đại biểu quan tâm nhiều đến một hạn chế được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát, đó là công tác truyền thông nâng cao nhận thức của Nhân dân về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe còn hạn chế về nội dung, phương thức và nguồn lực thực hiện. Đại biểu cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho bên cạnh những kết quả tích cực mà công tác y tế dự phòng đạt được trong thời gian qua trong việc phòng ngừa, kiểm soát bệnh tật, nâng cao sức khỏe người dân thì vẫn còn những điều rất đáng trăn trở về sức khỏe và thể trạng của người Việt.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Theo thống kê của Bộ Y tế, tuổi thọ bình quân của người Việt hiện nay là trên 73 tuổi nhưng tuổi sống khỏe mạnh chỉ là 64, trong đó có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Trong khi tuổi thọ bình quân của người Việt tăng lên nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp so với nhiều nước. Số năm sống không khỏe mạnh đồng nghĩa với việc giảm sút chất lượng cuộc sống, chỉ số hạnh phúc không được cải thiện và đồng nghĩa với việc cả cá nhân và xã hội đều phải đối mặt với nhiều áp lực về an sinh và gánh nặng bệnh tật. Một điều đáng trăn trở là gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam quá lớn, chiếm tới gần 74% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, vẫn theo số liệu năm 2019 của Bộ Y tế. Như vậy, số năm sống không khỏe mạnh của người Việt phần lớn gắn với các bệnh không lây nhiễm và hiện nay bệnh nhân của bệnh không lây nhiễm thì ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Nguyên nhân dẫn đến các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là do hành vi, thói quen, lối sống không lành mạnh, như: Sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá, do dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động thể lực. Mức độ hoạt động thể lực của người dân theo thống kê trong báo cáo giám sát là còn rất thấp, năm 2021 có gần 1/4 dân số, 22,2% thiếu hoạt động thể lực. Bệnh không lây nhiễm là mối nguy rất lớn của toàn xã hội nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu được đáng kể qua các biện pháp phòng ngừa bằng cách thay đổi hành vi, lối sống, như: Tăng cường vận động thể lực hợp lý, chế độ dinh dưỡng cân bằng và giảm lượng tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá.

Muốn tạo lối sống lành mạnh, tích cực để đẩy lùi nguy cơ đe dọa của bệnh không lây nhiễm thì các giải pháp tăng cường truyền thông là vô cùng quan trọng. Trong Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ ban hành ngày 29/1/2022 cũng đã xác định đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, góp phần nâng cao sức khỏe Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi vậy, trong thời gian tới, trong công tác y tế dự phòng, theo đại biểu, việc đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thay đổi tích cực hành vi, lối sống để giảm thiểu các bệnh không lây nhiễm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Giải pháp truyền thông là giải pháp mang lại hiệu quả nhanh, mang lại hiệu quả cao và thực sự tiết kiệm, cần phải đặc biệt nhấn mạnh giải pháp phòng ngừa nguy cơ các bệnh không lây nhiễm.

Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung trong dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề vào Điều 2 phần nhiệm vụ, giải pháp khoản 4 mục b là "y tế dự phòng tiếp tục tập trung hơn nữa nâng cao hiệu quả của việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm", không chỉ đơn thuần là "y tế dự phòng tiếp tục tập trung các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm".

Theo đại biểu, nếu chúng ta không xác định rõ cần nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm thì chúng ta vẫn rất khó khăn trong việc nỗ lực nâng cao số năm sống khỏe mạnh của người dân, giảm áp lực cho ngành y tế và cho an sinh xã hội bởi gánh nặng các bệnh không lây nhiễm.

Minh Hùng