ĐBQH TRIỆU QUANG HUY: ĐỔI MỚI, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÚC TIẾN ĐẦU TƯ

07/06/2023

Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và NSNN năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch đầu năm 2023, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng cần đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư

Tại phiên thảo luận, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ sự nhất trí đối với những nhận định, đánh giá trong Báo cáo số 232 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 tiếp tục phục hồi và đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022 so với báo cáo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực, như có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước, mức cao nhất trong 10 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.

Đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn 

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện bình đẳng giới, chính sách về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được tiếp tục quan tâm. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Trật tự, an toàn xã hội được tăng cường. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực. Bước sang những tháng đầu năm 2023 kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu đồng tình với nhận định đánh giá về khó khăn, hạn chế trong năm 2022, những tháng đầu năm 2023, đặc biệt là 11 nhóm giải pháp chính trong những tháng cuối năm 2023 được thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Về tốc độ tăng trưởng GDP, đại biểu cho biết, năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước. Tuy nhiên, 2 chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đáng lưu ý là cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế. Diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022 đã gây áp lực điều hành nền kinh tế vĩ mô, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023 là 6,5%, tăng trưởng GDP quý I/2023 cũng rất thấp tăng 3,2% so với cùng kỳ, các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài như là sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu, thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng giảm gần 18% so với cùng kỳ, lãi suất cho vay cao.

Trên cơ sở những khó khăn như vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định FTA đã ký kết, khai thác hiệu quả các thị trường và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng thời, cần tiếp tục có các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa ngành sản phẩm, phát triển những ngành, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chính quyền số, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành hướng tới sự hiệu quả, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Liên quan đến vấn đề về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đại biểu cho biết, tính đến ngày 31/1/2023 đạt 80,63% kế hoạch, nếu so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao mới đạt 92,97%. Có 27/52 bộ, cơ quan và 21/63 địa phương có tỷ lệ tỷ giải ngân đạt dưới 80%, trong đó có 8 bộ, cơ quan và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Tỷ lệ giải ngân vốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt 26% số vốn của chương trình, 4 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ giải ngân ước đạt 14,6% kế hoạch, nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2022. Vì vậy, áp lực giải ngân khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023 là rất lớn, đây chính là một trong những điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Đại biểu nêu rõ, các khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp đã được Chính phủ phân tích kỹ trong báo cáo. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quan tâm đến các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương, tháo gỡ những khó khăn về giải phóng mặt bằng, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Hồ Hương