TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 7/6: QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn Long An
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn Long An cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết góp phần giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động. Tuy nhiên thời gian qua, việc ứng dụng còn có nhiều hạn chế. Do đo, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vị trí của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.
Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá thêm về tiến độ, hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thêm một số thông tin để Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể báo cáo thêm với Quốc hội.
Liên quan đến khu nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua phản ánh của nhiều địa phương, cần phải tính toán kỹ. Tại Đà Lạt, hay cả tỉnh Lâm Đồng đều làm nông nghiệp công nghệ cao. Khi xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng vào đó nhiều, nhưng các doanh nghiệp đầu tư chủ yếu vào vườn ươm khoa học, công nghệ, nơi sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi hoặc những nơi trình diễn khoa học, công nghệ…Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, hiệu quả phát huy còn thấp.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, chúng ta khoanh vùng khu nông nghiệp công nghệ cao, dùng tiền của Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng vào đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào đó thì liệu có hiệu quả hay không? Hay vấn đề ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào những vùng, khu vực được quy hoạch, nhưng không gọi là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang có ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội hy vọng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, các bộ có liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thêm ý kiến đối với các nội dung quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn
Tham gia chất vấn, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ khi đi thực tế tại các địa phương nhận thấy vấn đề về các khu nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều trăn trở. Hiện tại Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt được 6 khu nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên cách đây 11 năm, vào năm 2012 của Hậu Giang với 5.200 hecta, nhưng đến bây giờ vẫn còn là một cánh đồng, vẫn chưa triển khai hiệu quả. Còn 05 khu còn lại với tổng quy mô khoảng 7.000 hecta.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm rõ, hiện đang nhầm lẫn giữa một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với một khu công nghiệp khi mà đa phần chúng ta quy hoạch rồi kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, cộng thêm một chút tự động hóa.
Về bản chất trong quyết định về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thì khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu, thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, không phải là một nơi sản xuất, sản xuất chỉ là phụ. Theo đó, từ những thành quả nghiên cứu, thực nghiệm kết quả rồi đưa ra vùng nông nghiệp hay chuyển giao cho bà con nông dân ở từng mức độ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Cùng với phân định khu nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý xác định “công nghệ cao”, thế nào là cao. Bộ trưởng cho biết, trên thế giới có rất nhiều cách tiếp cận về cao hay thấp. Có những đất nước không dùng Hitech như nước ta là công nghệ cao mà là nền nông nghiệp công nghệ, tức là bất kỳ một công nghệ nào phù hợp với trình độ sản xuất, năng lực sản xuất và ở từng thời gian, tạo ra giá trị, tạo ra chất lượng và đạt được giá trị tối ưu nhất trên sản phẩm nông nghiệp để cạnh tranh được trên thị trường, tạo ra được thu nhập cho người nông dân, tăng sức cạnh tranh thì đều được xem là nông nghiệp công nghệ hay là nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng không thể lấy nông nghiệp công nghệ cao của những tập đoàn lớn như TH True Milk, Vinamilk hay Lộc Trời để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó cho từng hộ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long được, kể cả trong lĩnh vực thủy sản, trong lĩnh vực chăn nuôi.
Bộ trưởng cho biết thực tế hiện nay có nhiều địa phương muốn có khu nông nghiệp công nghệ cao và đề nghị phải có vốn đầu tư hạ tầng, cho rằng do không có kinh phí đầu tư hạ tầng nên doanh nghiệp không vào. Tôi nghĩ không phải như vậy, chúng ta đừng nghĩ sai. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay chỉ có một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có lẽ thành công nhất và đúng bản chất nhất là Trung tâm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP.Hồ Chí Minh. Đó là nơi nghiên cứu, thực nghiệm, lan tỏa và kể cả đào tạo, huấn luyện cho những đối tượng tiếp nhận thành quả nghiên cứu từ viện, trường nằm ở trong khu nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lõi của khu nông nghiệp cao phải từ các viện, trường, hệ sinh thái bên cạnh viện, trường, là các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả nghiên cứu của các viện, trường để nhân ra và chuyển giao.
Trả lời câu hỏi con đường nào để đưa nền nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao từ một nền nông nghiệp đặc thù, manh mún, nhỏ lẻ, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần phải phải chia ra nhiều cấp độ.
Đối với những nông trại lớn đã có tiếp cận ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ lâu. Chính nhờ điều đó chúng ta trở thành một quốc gia xuất khẩu lên hơn 150 nước thế giới, chính nhờ đó, ngành hàng lúa gạo nước ta đứng tốp đầu thế giới, chính nhờ đó mà ngành hàng cà phê nước ta đứng thứ nhì thế giới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang bắt đầu hành trình tìm kiếm con đường từ viện, trường ra các tổ chức khuyến nông để đưa đến cộng đồng người dân thông qua những mô hình chuyển giao trực tiếp cho người dân. Do đó, Bộ trưởng đề nghị ở các viện, các trường, các trung tâm cũng chính là một đơn vị khuyến nông thông qua những bộ phận để quan hệ với người nông dân, quan hệ công chúng để người ta chuyển giao. Các viện, trường không thể khép kín mà phải mở, không để chỉ có nghiên cứu rồi để kết quả ở đó, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Đồng thời khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sẵn sàng tạo ra, kích hoạt một thị trường sau khi những sản phẩm nghiên cứu có thể khả thi, đi vào đời sống nông dân. Bộ trưởng cũng chia sẻ mong muốn trong quá trình này làm ở những cấp độ vừa phải, phù hợp với nguồn lực của đất nước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có nhiều hướng đi để tiếp cận nền nông nghiệp giá trị, không phải là nền nông nghiệp sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tối ưu hóa trên một đơn vị diện tích thì công nghệ sẽ góp phần rất lớn. Bên cạnh đó có những nghiên cứu của những người nông dân, những nhà khoa học chân đất, kết hợp với những nghiên cứu của viện, trường khi đó sẽ phủ tri thức, phủ khoa học công nghệ trên những cánh đồng, trên những bờ ao của bà con nông dân.
Theo Bộ trưởng, có những cấp độ nghiên cứu từ trung ương rồi nghiên cứu xuống địa phương, nghiên cứu tới cộng đồng, kết hợp giữa nghiên cứu các đơn vị sự nghiệp công lập với các doanh nghiệp lúc đó các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng thương mại hóa tất cả những sản phẩm, nghiên cứu và đưa đến cho những người nông dân. Vai trò Nhà nước là vai trò chỉ là kết nối trên một chuỗi như vậy. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, đây sẽ là con đường ngắn nhất.