BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ-TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG: 85% HỌC SINH TỐT NGHIỆP CÁC TRƯỜNG NGHỀ ĐỀU CÓ VIỆC LÀM

06/06/2023

Trong phần trả lời chất vấn các ĐBQH về phát triển giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay đa phần học sinh ra trường thì có khoảng 85% ở các trường nghề đều có việc làm. Đây là điều rất đáng mừng và Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục có một số giải pháp nhằm thu hút học sinh vào trường nghề…

QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 06/6, Quốc hội thực hiện phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là vấn đề phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết phương án phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đó là những chính sách gì, khi nào thực hiện, khi nào giáo dục nghề mới là bậc học của giáo dục quốc dân?

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề. Quy mô tuyển sinh dạy nghề hiện nay khoảng 2 triệu học viên, trong khi 5 năm trước, bình quân mỗi năm tuyển 500.000 học viên. Trong 2 triệu học viên này, khoảng 25% là trung cấp, 26% cao đẳng (những năm trước đây cao đẳng chỉ 5-10%).

Tuy nhiên, như các đại biểu Quốc hội đã nêu, giáo dục nghề nghiệp thực sự hiện nay cả về quy mô, cả về chất lượng cũng còn rất nhiều điều phải quan tâm. Quy mô thì chưa lớn, chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng còn những vấn đề mà cần phải tiếp tục đổi mới và cải thiện. Các hệ thống chính sách pháp luật, các chế độ, chính sách nhằm ưu đãi, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh vào các trường nghề cũng chưa được tiến hành nhiều. Có 3 vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung quan tâm, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp thì việc đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức xã hội về việc học nghề.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, phần đa số học sinh, sinh viên vào trường nghề hiện nay rơi vào một số trường hợp như: Học sinh không có nhu cầu hoặc là khó có nhu cầu học lên cao. Phần đông cũng là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, muốn đi học ngắn hơn để ra trường có việc làm ngay. Ngoài ra, có học sinh cũng có nhu cầu nhất định về học nghề, tất nhiên không phải tất cả đều là khó khăn về kinh tế nhưng đều là yếu kém.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Với bức tranh như vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua chúng ta đã đưa có nhiều chính sách. Ví dụ như chính sách khuyến khích đối với các em ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề là miễn phí hoàn toàn, các em học nghề ra được ưu tiên tìm việc. Số học sinh tiên tiến thì được đào tạo chương trình chất lượng cao miễn phí, đặc biệt là chương trình đào tạo theo 34 bộ giáo trình của Australia.

Ngoài ra, chúng ta có nhiều giải pháp để kết nối với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm ngay cho các cháu. Do đó, hiện nay đa phần học sinh ra trường thì có khoảng 85% ở các trường nghề đều có việc làm. Đây là điều rất đáng mừng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm thu hút học sinh vào trường nghề với một suy nghĩ quan trọng nhất là tạo sự ủng hộ của các bậc cha mẹ và bản thân người học. Bên cạnh đó là khi học sinh vào học nghề, ra trường thì có việc làm, thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp trường nghề, học sinh nào có nhu cầu học lên cao hơn thì được học liên thông. Theo như hướng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tạo điều kiện theo hướng đó để thiết kế các chính sách và đặc biệt là hỗ trợ chính sách cho sinh viên học nghề./.

Bích Lan