THẢO LUẬN TỔ 10: RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) TRÁNH CHỒNG CHÉO, XUNG ĐỘT VỚI CÁC LUẬT CHUYÊN NGÀNH
Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các ý kiến tại Tổ 10 cho rằng, luật Tài nguyên nước hiện hành đang thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước…
Toàn cảnh Tổ 10 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp) góp ý dự thào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, phương pháp sửa đổi luật vẫn chưa có tư duy mới, vẫn còn một số mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ ngay trong dự thảo luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu thực tế, nguồn sinh thủy ngày càng cạn kiệt, tài nguyên nước không chỉ liên quan đến đơn ngành mà là đa ngành tổng hợp, nhưng tư duy xây dựng luật chưa đề cập đến vấn đề này. So với thế giới, Việt Nam có nguồn tài nguyên nước phong phú nhưng phân bố không đều về mặt lãnh thổ và thời gian; vẫn còn tình trạng sử dụng lãng phí, khai thác quá mức, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước… Những vấn đề này cần được đặt ra trong luật; chưa có quy định cụ thể về tái tạo sử dụng nguồn nước, trong đó có nước thải - đây cũng là một loại tài nguyên.
“Nước là tài sản có giá trị, càng ngày càng có giá trị, đặt ra trách nhiệm của Nhà nước cần điều tiết nước như điều tiết điện; nước là hàng hóa cần phải trả tiền, đây là ngành kinh tế có thể thu lãi lớn, sửa đổi luật không chỉ nêu vấn đề quản lý, cần có tư duy và tầm nhìn mới về vấn đề này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Tổ 10.
Nêu thực tế, nước chiếm ba phần tư diện tích của trái đất, đại biểu Lê Minh Hoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp khẳng định, nước không còn là tài sản hữu hình, còn là văn hóa, trong khi đó hơn 2/3 nước ở Việt Nam từ bên ngoài chảy vào, điều này đặt ra yêu cầu đảm bảo an ninh nguồn nước. Theo đại biểu, việc quản trị nguồn nước không chỉ theo lưu vực sông, theo vùng, mà cần coi quản trị tài nguyên nước là quản trị quốc gia để có giải pháp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý.
Đối với dòng chảy tối thiểu quy định tại Điều 25, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể về các quy chuẩn cụ thể. Đồng thời, đề nghị làm rõ sự tham gia của các bên có liên quan khi xác định dòng chảy tối thiểu; xem xét việc quy định dòng chảy tối thiểu đối với một số khu vực mà lượng nước về sông, suối theo mùa hoặc có thời điểm khô cạn. Bổ sung trách nhiệm các Bộ, ngành, Tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu; bổ sung một khoản về căn cứ để xác định dòng chảy tối thiểu.
Góp ý về chức năng nguồn nước (Điều 23), đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhất trí với dự thảo Luật quy định về chức năng của nguồn nước, bởi đây sẽ là căn cứ quan trọng và rất cần thiết khi xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho một dự án có hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên một đoạn sông. Đây cũng là căn cứ quan trọng để xem xét việc điều hoà, phân phối tài nguyên nước; lựa chọn các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; hạn chế được việc dàn trải nguồn vốn đầu tư cũng như tập trung nguồn lực vào bảo vệ các nguồn nước quan trọng.
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” tại Điều 3 dự thảo Luật, bởi để phát triển tài nguyên nước, ngoài việc bảo vệ phát triển rừng - nguồn sinh thủy, còn cần phải bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, quan trọng. Cần xây dựng các công trình chứa nước phục vụ đa mục tiêu, các công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất ngoài ra còn cần giải pháp bảo đảm gắn kết quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy. Giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời, cần quy định khuyến khích các địa phương có cơ chế chuyển đổi quy hoạch rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ ở những khu vực có nguồn nước để bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước
Bên cạnh việc duy trì tối đa hóa nguồn thu hiện có từ chi trả môi trường rừng, đại biểu Lý Thị Lan đề xuất có chiến lược để đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy. Đại biểu cho rằng, thay vì chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng, có thể nghiên cứu sử dụng khoảng 15-20% từ quỹ chi trả môi trường rừng để điều phối lại việc phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy trên toàn quốc; đưa nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng thành nguồn tài chính ổn định cho việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, như vậy sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã cảm ơn và mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận Tổ 10, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã cảm ơn và mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); các ý kiến góp ý sẽ được ban soạn thảo tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ. Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm nước là hàng hóa, tài sản quý giá của đất nước, cần được bảo vệ, điều tiết, sử dụng hài hòa, hợp lý. Do vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để phân bổ, đảm bảo an ninh nguồn nước; đồng thời tiến tới quản lý nguồn nước trên nền tảng công nghệ số.