PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác huy động sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng tại báo cáo của Đoàn giám sát. Đại biểu cho rằng báo cáo đã tổng hợp, phản ánh khách quan, giúp đại biểu Quốc hội có những thông tin toàn diện, đầy đủ, trong đó nhiều nội dung được tổng hợp từ báo cáo giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội về các nội dung giám sát.
Phát biểu về những khó khăn khi sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch, đại biểu cho biết, về công tác tiêm chủng, đối với vắc xin, việc không chủ động nguồn vắc xin dẫn đến các địa phương không chủ động trong thực hiện kế hoạch để tổ chức thực hiện. Phải thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai khi được phân bổ vắc xin trong thời gian rất ngắn, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực để thực hiện. Không có phác đồ tiêm chủng vắc xin nên không biết phải tiêm bao nhiêu mũi vắc xin, việc lúc tiêm vắc xin Astrazeneca với 2 mũi sau 6 tháng, sau đó lại điều chỉnh lại là 3 tháng, giai đoạn đầu chỉ tiêm cho người 18 đến 65 tuổi, sau đó lại ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi.
Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các loại vắc xin không cụ thể và nhất quán cũng gây khó khăn trong công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Chỉ định mũi tiêm vắc xin còn phụ thuộc vào số lượng vắc xin có chứa theo minh chứng về khoa học. Về việc tiếp cận vắc xin còn chậm, muộn nên nhiều người sau khi tiêm mũi 1 mà không có vắc xin để tiêm mũi 2, không có hướng dẫn về hệ số hao phí vắc xin. Ở giai đoạn cao điểm toàn dân đi tiêm vắc xin thì số lượng hao phí không có hoặc rất thấp. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, khi số lượng người đi tiêm ít, đồng thời phải đáp ứng tiêu hao bao phủ cho người dân thì cần phải có hướng dẫn về hao phí vắc xin.
Về vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn diện đối với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch, trong điều kiện dịch bệnh cấp bách, hầu hết các trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng, chống dịch phải phân bổ ngay, tiếp nhận cho các cơ sở y tế để kịp thời sử dụng phục vụ điều trị cho người bệnh, tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Tuy nhiên, các tài sản trên chưa được thực hiện thủ tục xác lập sở hữu toàn dân. Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 29 của Thủ tướng Chính phủ hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản của các tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước phải có hợp đồng tặng, cho tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức tặng, cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng.
Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không nêu cụ thể trường hợp nào phải lập thành hợp đồng tặng, cho tài sản. Trong trường hợp phòng, chống dịch bệnh vừa qua, hầu hết các nhà tài trợ chỉ có biên bản xác nhận tài trợ mà không có ký hợp đồng tài trợ trực tiếp với đơn vị được phân bổ hàng tài trợ, dẫn đến khó khăn cho việc xác lập sở hữu toàn dân về tài sản được tài trợ, tặng, cho. Mặt khác, hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản còn bao gồm bảng kê chủng loại, số lượng, khối lượng, giá trị hiện tại của tài sản, trong đó việc xác định tài sản được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 29 của Chính phủ là việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Trên thực tế, nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị tài sản hoặc giá trị tài trợ, biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường và cổng thông tin của các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định tài sản xác lập sở hữu toàn dân hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ, xác định giá trị tài trợ căn cứ vào hóa đơn nhà tài trợ cung cấp hay giá trị hợp đồng tài trợ, chứng thư thẩm định giá, báo giá có đủ cơ sở làm căn cứ xác định giá trị tài trợ không, xác định giá trị tài trợ trong trường hợp tài sản đã được cho, tặng, tài trợ nhiều năm nhưng chưa được xác lập sở hữu toàn dân, cách xác định giá trị đối với tài sản cũ đã qua.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, đại biểu đề nghị Quốc hội quy định rõ nghị quyết giám sát chuyên đề về việc giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ, cho, tặng, biếu trong phòng, chống dịch COVID để quản lý, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ công bố tình trạng dịch COVID, chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn chuyên môn về quản lý sử dụng vắc xin, nhất là phác đồ tiêm chủng, hệ số hao, chi phí vắc xin.